Những chuyến du lịch tốn kém của người trẻ

Nhiều người trẻ đang sẵn sàng móc hầu bao đầu tư mua sắm quần áo, máy móc để có được những bức ảnh đẹp và ưng ý cho bản thân khi đi du lịch.
Người trẻ "thèm" đi du lịch nội địa

Muốn có ảnh đẹp phải chịu chi

Để chuẩn bị cho chuyến đi tới Đà Lạt vào dịp nghỉ lễ 2/9, Nguyễn Thùy Trang (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) dự tính chi khoảng 6 triệu đồng để mua sắm trước chuyến đi. Đây gần như là thói quen của Trang trước mỗi lần du lịch.

Trước đó không lâu, Trang mới dành 3 triệu đồng mua quần áo và giày dép cho chuyến đi Cát Bà (Hải Phòng) cùng bạn bè.

“Mình rất thích mua sắm cũng như chụp ảnh. Sau chuyến đi, nếu không được diện đồ đẹp và ảnh chưa xinh lắm, mình sẽ hơi buồn chút”, Thùy Trang nói.

Những chuyến du lịch “tốn kém” của người trẻ
Thùy Trang luôn chi tiền mua sắm quần áo mới trước mỗi chuyến đi

Thùy Trang cũng cho biết trang phục của mình sẽ thay đổi ở tùy điểm đến và người đồng hành. Nếu đi cùng bố mẹ và gia đình, cô gái trẻ sẽ lựa chọn trang phục gọn gàng. Ngược lại, trang phục khi du lịch cùng bạn bè sẽ thoải mái hơn.

Dù có nhiều “cám dỗ” trong lúc mua sắm quần áo, Thùy Trang vẫn cố gắng chỉ giới hạn trong ngân sách nhất định, tránh “vung tay quá trán”.

Cô gái 26 tuổi thừa nhận mình không phù hợp với du lịch bụi. Thay vào đó, cô chuộng hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá ẩm thực địa phương.

“Ở chuyến đi Cát Bà vừa rồi, mình và các bạn chủ yếu ngồi "buôn dưa lê", chụp ảnh check-in và tìm kiếm đặc sản của vùng”, cô nói.

Tương tự, gần như trước mỗi chuyến đi, Việt Hoàng (24 tuổi), nhân viên truyền thông và cũng là một tín đồ mê chụp ảnh cũng dành khoảng 2 - 3 triệu đồng để mua sắm quần áo và phụ kiện. Nếu đi biển, Hoàng sẽ để mắt tới các món đồ mang không khí mùa hè như quần bơi, dép, mũ. Còn khi lên núi, chàng trai trẻ tìm mua các vật dụng giúp giữ ấm như quần áo, túi sưởi, găng tay…

“Mình mua sắm không phải vì thiếu đồ, mà bởi yêu thích cảm giác háo hức chuẩn bị hành lý đi chơi”, Hoàng chia sẻ.

Những chuyến du lịch “tốn kém” của người trẻ
Người trẻ đang sẵn sàng chi tiền để có những chuyến đi du lịch thật ưng ý

Ngoài ra, chàng trai 24 tuổi thừa nhận việc đang hướng tới trở thành một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok khiến anh chăm chút về mặt hình ảnh hơn, từ việc đi những đâu, tạo dáng thế nào hay phối đồ ra sao. Với Hoàng, chỉ khi hình ảnh chỉn chu hơn người khác, anh mới có thể tạo cảm hứng cho người xem của mình.

Đồng hành với Việt Hoàng ở mỗi chuyến du lịch là máy ảnh kèm theo bộ ống lens, chân máy tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Anh cũng không quên đem theo điện thoại, sạc dự phòng hay đồng hồ. Theo Hoàng, đó là những món đồ thiết yếu nhất trong mọi chuyến du lịch của mình.

Với tổng trọng lượng hành lý lớn, Hoàng cho biết mình thường phải mua thêm cân hành lý mỗi khi ra sân bay, mất khoảng vài trăm nghìn đồng.

“Đương nhiên mình cũng hơi xót ví. Nhưng những vật dụng đem theo đều cần thiết cho cả mục đích cá nhân lẫn công việc của bản thân nên mình sẵn sàng chi trả”, Việt Hoàng bày tỏ.

Chụp ngàn tấm, đăng 1 tấm

Với Phùng Bảo Khoa (28 tuổi), việc muốn có những tấm ảnh đẹp để khoe lên mạng xã hội sau mỗi chuyến đi chơi là nhu cầu bình thường và dễ hiểu, hầu như ai cũng có.

Bảo Khoa thường dành khoảng 1 ngày để xem ảnh, video check-in tại nơi mình sắp đến từ những người đi trước. Từ đó, anh suy nghĩ xem phối đồ, chọn lựa màu sắc trang phục thế nào. Nếu thiếu đồ, chàng trai trẻ sẽ mua thêm.

Những chuyến du lịch “tốn kém” của người trẻ
Là một tín đồ mê chụp ảnh, Bảo Khoa luôn chuẩn bị đầy đủ trước mỗi chuyến đi ngay và sẵn sàng móc hầu bao thêm để chuẩn bị hành trang

Về công cụ sống ảo, Bảo Khoa không phải chuẩn bị vì bạn đồng hành có sẵn máy ảnh kỹ thuật số. Sau chuyến đi, Bảo Khoa tiếp tục dành thời gian chọn ảnh và mất vài tiếng chỉnh sửa, tùy thuộc vào ảnh đẹp sẵn hay phải căn chỉnh lại bố cục, ánh sáng, vật cản. Vì chỉ chọn đăng những tấm đẹp nhất, nên việc chụp rất nhiều nhưng chỉ đăng tải 1 - 2 bức là chuyện thường.

“Mình tự nhận bản thân rất thích chụp ảnh nên thú thực có những địa điểm mình dành trọn thời gian lấy hình sống ảo, còn việc thăm thú để dành tới cuối buổi hoặc hẹn lần sau. Đến nơi cảnh quá đẹp mà không có ảnh mang về, mình chắc chắn có buồn bực.

Hiện tại, mình vẫn cố cân bằng giữa trải nghiệm thực tế và chụp ảnh sống ảo. Những nơi xác định chỉ đến 1 lần, mình dành phần lớn thì giờ tham quan, còn những địa điểm nhất định phải có ảnh đẹp, mình chuyên tâm chụp hình”, Bảo Khoa nói.

Giống như Bảo Khoa, Hạnh Huyền (26 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có thói quen tìm các góc ảnh đẹp tại nơi sắp đến từ trước và lưu lại, chụp theo.

Với cô gái trẻ, việc tìm hiểu về điểm đến trước khi xuất phát quan trọng với những người thích trải nghiệm và sống ảo như cô. Tiết kiệm được thì giờ chụp ảnh sẽ giúp Hạnh Huyền có thêm thời gian tận hưởng bằng mắt thường, kết nối đời thực với người xung quanh.

Tùy vào mục đích chuyến du lịch, cô gái trẻ cân đối giữa thời gian đi chơi và chụp hình. Nếu ngắm cảnh là chủ yếu, Hạnh Huyền ít chụp ảnh.

Nếu muốn chia sẻ với mọi người, Hạnh Huyền sẽ tìm hiểu kỹ để có những tấm hình đẹp. Ngoài ra, cô gái 26 tuổi thường lên sẵn kế hoạch về quần áo, phụ kiện và kiểm tra thời tiết trước khi lên đường.

Những chuyến du lịch “tốn kém” của người trẻ
Hạnh Huyền dành thời gian nghiên cứu thật kỹ điểm đến để tìm ra những góc check-in đẹp nhất

“Mọi người xem ảnh thường nghĩ mất nhiều thời gian chụp hình, nhưng thật sự thì không vì mình đã tham khảo các góc đẹp trước. Thời gian còn lại, mình và bạn đồng hành tự đi khám phá, thăm thú để viết thành trải nghiệm. Ngoài hình ảnh chỉn chu, con chữ cũng cần chú trọng”, Hạnh Huyền nói.

Các món đồ mang theo như vật dụng cắm trại, máy ảnh được Hạnh Huyền coi là cần thiết, không phải đơn thuần là để đầu tư sống ảo mà vì chúng thực sự giúp trải nghiệm chuyến đi tốt hơn.

Lời khuyên của Hạnh Huyền là tìm những nơi du lịch thích hợp với bản thân. “Đừng đi do thấy ảnh của người khác đẹp vì thời điểm đi của bạn với người chụp hình thường sẽ khác nhau”, cô gái 26 tuổi chia sẻ .

Phạm Thành
Phiên bản di động