Những cánh tay nối dài ngăn cháy, dập giặc lửa
Để trường học sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn Chủ động ngăn ngừa cháy, nổ tại các di tích văn hóa, lễ hội xuân Hà Nội chủ động phòng, chống cháy nổ dịp cuối năm |
Tổ liên gia phát huy vai trò
Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong quý 1/2023, cả nước xảy ra 405 vụ cháy, làm chết 16 người, bị thương 11 người, về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 22,44 tỷ đồng.
Riêng TP Hà Nội, gần đây nhất, ngày 13/5/2023, xảy ra vụ cháy nhà dân khiến 4 bà cháu trong cùng một gia đình ở số 24 phố Thành Công (quận Hà Đông) thiệt mạng. Trước đó, Hà Nội cũng xảy ra 1 vụ cháy lớn vụ ở kho gỗ xảy ra ngày 25/2 tại khu công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai). Diện tích cháy khoảng 1.500m2. Đây là một trong bốn vụ cháy lớn điển hình của cả nước được thống kê trong tháng I/2023.
Xuất phát từ thực tiễn đó, để không phải thốt lên hai từ “giá như” sau những đau thương, mất mát đã xảy ra, Bộ Công an triển khai kế hoạch 273/KH-BCA-C07 để xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Đây là mô hình rất thiết thực, có thể liên kết bà con trong cùng khu phố để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có sự cố xảy ra.
Lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội xuống địa bàn kiểm tra việc thực hiện mô hình tổ liên gia an toàn PCCC |
Các mô hình ngăn giặc lửa được hình thành trong Nhân dân, từ các tổ liên gia ở các khối phố trên địa bàn.
Ghi nhận của phóng viên tại một số địa bàn từ nội thành đến huyện ngoại thành như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên… đều đồng loạt thực hiện, ra mắt mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng và diễn tập phương án chữa cháy theo tình huống giả định.
Những địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao như nhà liền kề, nhà trong ngõ hẹp, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cao tầng… đều đã có tổ liên gia PCCC, lắp đặt xong hệ thống báo cháy, phương tiện chữa cháy cơ bản.
Thành viên tổ liên gia an toàn PCCC diễn tập phương án giả định chữa cháy ở địa bàn phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Ví như tại quận Cầu Giấy, địa bàn từng xảy ra vụ cháy quán karaoke thiệt hại lớn về người và tài sản, đã đồng loạt tổ chức ra mắt tổ liên gia an toàn PCCC.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Trung Hoà Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của TP, quận Cầu Giấy, phường đã triển khai mô hình tổ liên gia an toàn PCCC. Phường xác định đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân, nên đã làm là phải thực chất, mang lại hiệu quả phòng ngừa cao. Vì thế, những hướng dẫn chuyên môn của lực lượng chức năng đều được thực hiện nghiêm túc. Kinh phí cho công tác trang bị phương tiện chữa cháy, chuông báo cháy kết nối các hộ dân cũng đều được xã hội hoá, trang bị đầy đủ; công tác diễn tập, ra mắt mô hình được triển khai nghiêm túc”.
Ông Phạm Thanh Toàn, tổ trưởng tổ dân phố số 26, phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy) cho biết: "Việc tham gia mô hình tổ liên gia an toàn PCCC khiến mỗi cá nhân của từng hộ gia đình có trách nhiệm hơn với công tác PCCC. Tôi cùng với chính quyền, công an phường đều coi đây là nhiệm vụ chung, vì cộng đồng, vì chính gia đình mình để công tác này đạt hiệu quả thiết thực".
Người dân mở lối thoát nạn thứ hai, phòng ngừa thiệt hại nghiêm trọng trong tình huống xảy ra cháy ở Cầu Giấy |
Thực tế, trong thời gian qua cũng đã có kết quả tích cực từ việc người dân vận dụng kiến thức an toàn PCCC để thoát nạn khiến cộng đồng phần nào bớt lo lắng. Ví như vụ cả nhà thoát nạn trong vụ cháy căn nhà nhà 4 tầng, tại số 44, ngõ 125 Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội). Thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có 1 cụ già, 1 cặp vợ chồng và 2 bé trai. Sau khoảng 15 phút, đám cháy đã lan ra và thiêu rụi nhiều tài sản trong nhà. Khi phát hiện vụ cháy, hàng xóm đã nỗ lực dập lửa nhưng bất thành. Gia đình đã nhanh chóng trèo qua ban công sang nhà hàng xóm để thoát khỏi đám cháy.
Ngọn lửa thiêu rụi nhiều tài sản trong gia đình có 5 người thoát nạn ở Ba Đình |
Thượng tá Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, là địa bàn phố cổ Hà Nội nên công tác PCCC có nhiều đặc thù tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC. Vì thế các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” đang ngày càng được nhân rộng và đi vào hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Đến nay, tại quận Hoàn Kiếm, đã có 288 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1.386 “Điểm chữa cháy công cộng” được thành lập và duy trì hoạt động. Phương án PCCC phù hợp ở địa bàn sẽ được điền đầy đủ thông tin có liên quan đến công tác PCCC&CNCH và niêm yết tại từng hộ gia đình, trọng tâm là hướng dẫn các thành viên trong hộ gia đình biết sử dụng bình chữa cháy, xác định được khi cháy xảy ra cần làm gì, cách thoát nạn an toàn, thoát nạn khi có trẻ nhỏ trong gia đình và thực hành diễn tập phương án cho các thành viên gia đình.
Triển khai nội dung tổ liên gia và lực lượng chức năng diễn tập phương án chữa cháy giả định ở phường Trung Hoà (Cầu Giấy) |
Bên cạnh đó, thông qua các tình huống giả định về sự cố cháy, nổ tại từng tổ liên gia có sự diễn tập của bà con cùng lực lượng PCCC tại chỗ và Cảnh sát PCCC&CNCH đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Các buổi diễn tập này không những góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng để bà con chủ động phòng chống giặc lửa mà còn giúp người dân có thêm kinh nghiệm xử lý, phối hợp với lực lượng chuyên môn khi có sự cố xảy ra. Chính những hiệu quả thiết thực này đã giúp mô hình liên gia nhanh chóng lan toả đến từng hộ dân, từng khu phố trong thời gian qua.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội nhấn mạnh: Việc thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhất là trong bối cảnh cháy, nổ có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, Đại tá Phạm Trung Hiếu cũng yêu cầu, các thành viên trong Tổ liên gia không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC, duy trì hoạt động có hiệu quả của mô hình trong thực tiễn và nhân rộng thêm nhiểu hơn nữa các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn.
Tránh “bệnh thành tích” làm cho có
Trong khi toàn TP Hà Nội khẩn trương, tích cực thành lập và ra mắt các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC thì một số địa bàn vẫn xảy ra cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như: Vụ cháy xưởng chăm sóc xe hơi ở số 318 đường Nguyễn Văn Giáp (quận Nam Từ Liêm) ngày 5/6. Trước đó có đám cháy nhà dân ở phố Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm) xảy ra ngày 1/6; Ngày 29/5 xảy ra cháy ở kho lốp ô tô tại Lộc Hà (huyện Đông Anh)…
Có một thực tế là còn nhiều người dân chủ quan, chưa thực sự coi trọng công tác PCCC. Khi xây dựng, sửa chữa nhà ở, vì lý do “chống trộm”, nhiều hộ gia đình đã làm “chuồng cọp” bịt kín lối thoát hiểm. Trong khi đó, các quy định, quy chuẩn về PCCC vẫn còn “lỗ hổng” đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, trong đó có nhà dân.
Hiện trường vụ cháy khiến 4 bà cháu cùng một gia đình tử vong hồi tháng 5/2023 ở Hà Nội |
Cụ thể, Luật PCCC hiện không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh). Hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với loại nhà này chỉ cần bảo đảm tiêu chuẩn mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới, không có điều kiện về phòng cháy. Hay như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) mới nhất do Bộ Xây dựng ban hành cũng không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống.
Từ thực tế trên, để tăng cường phòng, chống cháy, nổ từ “gốc”, về lâu về dài cần sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chuẩn mang tính bắt buộc. Đồng thời, mỗi hộ gia đình đều phải có phương án PCCC tương ứng.
Trước mắt, các cấp, ngành cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về PCCC. Tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn cần tập trung thực hiện nghiêm Công văn số 504-CV/TU ngày 10/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trọng tâm là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC; gắn công tác PCCC với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu UBND TP Hà Nội nêu tại văn bản số 1157/UBND-NC, đó là đến ngày 15/12/2023 bảo đảm 100% hộ gia đình nhà ở riêng lẻ có ít nhất một người được phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC.
Có thể nói, việc Công an TP đã phối hợp với các địa phương triển khai những mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Khu chung cư an toàn PCCC”... mang ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đồng đều do đặc thù dân cư, khối phố... Vì thế, điều quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng đưa những mô hình này "phủ sóng" toàn TP gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân; Bảo đảm 100% tổ dân phố, thôn đều áp dụng, tạo thành mạng lưới, trong đó mỗi hộ gia đình là một “mắt xích” PCCC. Nếu làm được như vậy một cách thực chất, công tác PCCC chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp kiểm tra công tác PCCC tại một số tổ liên gia trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) |
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, ngoài triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn về PCCC đối với các hộ gia đình, bước vào mùa nắng nóng, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cùng người dân và lực lượng chữa cháy cơ sở chủ động phòng ngừa, không để phát sinh cháy, nổ ngay từ ban đầu để thay đổi nhận thức, ý thức PCCC ngay từ dân cư, không còn là “hô hào, phong trào”.