Chủ động ngăn ngừa cháy, nổ tại các di tích văn hóa, lễ hội xuân
Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Trong tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Để chủ động ngăn ngừa cháy, nổ tại các di tích văn hóa, lễ hội xuân năm 2023, các cơ quan chức năng thành phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp.
Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) những năm gần đây, việc thắp hương, hóa vàng đều được ban quản lý các khu vực đình, đền, chùa… tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tránh lãng phí và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các di tích, nơi thờ tự.
Mới đây, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Thanh Oai đã phối hợp với UBND xã Tam Hưng và các đơn vị chức năng, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại chùa Bối Khê - một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần.
Theo Thiếu tá Phạm Duy Huỳnh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an huyện Thanh Oai, công tác kiểm tra nhằm nắm chắc tình hình, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ở các đình, chùa, di tích lịch sử, văn hóa và các địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống trên địa bàn.
Qua đó, kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, từ đó hướng dẫn các ban quản lý thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy, củng cố lực lượng, phương tiện, phương án chữa cháy và phương án cứu nạn cứu hộ tại chỗ… để chủ động phòng ngừa tai nạn cháy, nổ.
Nơi hóa vàng tại các đình, chùa, cơ sở di tích cần được bố trí cách xa gian thờ, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy |
Thời điểm kiểm tra, phương tiện phòng cháy chữa cháy đã được chùa Bối Khê được trang bị, bố trí tại các khu vực đảm bảo thường trực sẵn sàng khi có sự cố. Chùa cũng đã chủ động bổ sung thêm bình chữa cháy mới tại các vị trí dễ có nguy cơ về cháy, nổ trong chùa.
Theo sư cô Thích Đàm Phượng, Phó trụ trì chùa Bối Khê: “Hằng năm, hệ thống dây điện trong chùa thường xuyên được bảo dưỡng, kiểm tra thay thế. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ, những năm gần đây, việc thắp hương, hóa vàng đều được nhà chùa tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân và các phật tử, có khu vực riêng để đốt vàng mã và chỉ thắp hương vòng ở nơi thờ tự”.
Chủ động đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, Công an huyện Thanh Oai đã tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở, hộ kinh doanh và các di tích, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Sau khi ký cam kết, cán bộ Công an huyện Thanh Oai đã phát hàng nghìn tờ rơi, sổ tay trong công tác đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ; Hướng dẫn cách nhận biết, cách sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ, nhằm nâng cao nhận thức, nắm được các kiến thức kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Tăng cường tuyên truyền tới người dân
Cùng với huyện Thanh Oai, mới đây, Công an quận Tây Hồ đã tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 938 lượt cơ sở, mở 2 lớp tuyên truyền đối với cơ sở có gần 50 người tham dự, tổ chức phát 1.800 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc…
Trung tá Chu Thành Quân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Tây Hồ cho biết, khu vực thắp hương và nơi hóa vàng được coi là tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, đơn vị đã tuyên truyền người được giao nhiệm vụ trông coi di tích yêu cầu người dân chỉ thắp 1 nén nhang tại khu vực ngoài trời và phải rất lưu ý khi đốt vàng mã; Thậm chí, cần tuyên truyền để hạn chế dần và không nên đốt vàng mã gây lãng phí, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Lực lượng chức năng tuyên truyền phòng chống cháy nổ tại các cơ sở di tích |
Tại quận Ba Đình, Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Ba Đình cho rằng, hệ thống điện tại các khu di tích cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Do đó, trong mùa lễ hội, các khu di tích tuyệt đối không tùy tiện đấu nối điện phục vụ nhu cầu trông giữ phương tiện, nhu cầu hội hè, tập trung đông người…
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), trên thực tế, các di tích, đình, đền, chùa, miếu phần lớn được xây dựng với kết cấu chủ yếu là gỗ, bên trong có nhiều đồ dễ cháy như: Tượng gỗ, đồ thờ cúng, hương, nến, vàng mã…
Số lượng khách đông, kéo theo nhu cầu sử dụng điện, thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã nhiều... Trong khi đó, phương tiện giao thông dừng, đỗ tại các bến, bãi gia tăng cũng có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Mặt khác, các cơ sở này thường nằm xen kẽ với khu dân cư, nếu xảy ra sự cố rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Vì vậy, đòi hỏi công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy càng phải được quan tâm từ cơ sở, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức của người dân.