Hà Nội chủ động phòng, chống cháy nổ dịp cuối năm
Để lực lượng dân phòng trở thành "phòng tuyến" đầu tiên ngăn ngừa cháy nổ Bài 1: Nhà trọ phớt lờ phòng cháy chữa cháy, hàng nghìn sinh viên sống trong nguy hiểm rình rập |
Nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu
Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, tập kết hàng hóa phục vụ Tết nên nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy.
Điển hình như vụ cháy diễn ra vào sáng 1/11 tại một nhà dân phường Hàng Bột (quận Đống Đa, Hà Nội) do chập điện. Đám cháy có nguy cơ lan rộng vì đây là khu vực nhà cửa san sát và gần trường mầm non nhưng ngay sau đó đã được khống chế.
Vụ hoả hoạn xảy ra gần khu vực trường Mầm non Sơn Ca, tại quận Đống Đa |
Trước đó cuối tháng 10, cũng tại quận Đống Đa liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy ở ngõ 32 phố Hào Nam và tại nhà dân ở ngõ 152 của con phố này. Lực lượng chức năng đã cùng người dân hướng dẫn, đưa 9 người thoát khỏi đám cháy.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Thành - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, tất cả vụ việc đều do bất cẩn trong sử dụng điện của người dân và ảnh hưởng bởi thời tiết mùa hanh khô nên nguy cơ cháy dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án nên những vụ việc đã kịp thời được ngăn chặn, không để phát sinh tình huống phức tạp.
Trong hơn 1 tháng vừa qua, Công an Hà Nội tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (kế hoạch từ ngày 15/10 - 15/12/2022) đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Trong đợt tổng kiểm tra này, lực lượng chức năng đã rà soát, lập danh sách cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các cơ sở còn lại theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện.
Các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao, như: Khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất…
Thực tế kiểm tra, tại các khu chợ truyền thống, phần lớn vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy nằm ở hệ thống điện. Cùng với đó, nhiều ki-ốt bày bán hàng hóa tràn lan ảnh hưởng đến việc triển khai chữa cháy.
Còn tại các khu tập thể cũ, chung cư mini, theo đánh giá, người dân đã chủ động mở lối thoát nạn thứ 2. Nhiều hộ dân cũng trang bị bình chữa cháy, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn cho gia đình.
Qua rà soát, các tổ công tác đã lập biên bản ghi nhận sự việc, hướng dẫn người dân khắc phục và báo cáo UBND phường hướng xử lý từng trường hợp cụ thể...
Tuyên truyền phòng chống cháy nổ cho lực lượng cơ sở và người dân tại huyện Thanh Trì, Hà Nội |
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy đến nhân dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn với tinh thần "đến từng nhà, rà từng người", góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng cho Nhân dân, cơ quan đơn vị, giảm thiếu tối đa những vụ cháy có thể phát sinh và thiệt hại nếu xảy ra cháy.
Để mỗi người dân là một người lính cứu hỏa…
Để triển khai công tác phòng cháy chữa cháy, nhiều quận, huyện đã chủ động, tích cực đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Là quận đông dân nhất Thủ đô Hà Nội, mật độ dân cư cao, đa phần hệ thống giao thông của Hoàng Mai là các đường phố nhỏ, xe cứu hỏa khó tiếp cận. Phần lớn nhà dân "tuổi đời" trên 20 năm, hệ thống dây điện đã qua sử dụng nay tăng công suất, dễ xảy ra cháy nổ.
UBND quận Hoàng Mai đã triển khai thực hiện mô hình điểm Cụm liên kết phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công tác PCCC tại cơ quan, DN trên địa bàn; xây dựng mô hình “Tổ dân phố an toàn về PCCC và CNCH”, Tổ liên gia an toàn PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an; thực hiện chuyên đề “Nhà tập thể an toàn PCCC và CNCH gắn với đảm bảo an ninh trật tự” và hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước đối với UBND 14 phường...
Trong khi đó, Công an quận Bắc Từ Liêm đã vận dụng mô hình “4 lớp” trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Lớp đầu tiên là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên. Kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ người chạy xe ôm đến người bán hàng xén.
Lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố và cuối cùng là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng công an, quân đội phụ trách địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể…
Thực tế, để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt được kết quả cao rất cần sự chung tay của người dân. Nếu mỗi hộ dân đều có ý thức cao trong phòng chống cháy, nổ thì sẽ tạo được một thế trận phòng, chống "giặc lửa" đạt hiệu quả từ cơ sở.
Bên cạnh đó, tùy vào đặc thù địa bàn, công an các quận, huyện, thị xã có những hướng dẫn cụ thể với người dân để sao cho vừa phát huy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), vừa để mỗi người dân chính là một người lính cứu hỏa ngay từ khi đám cháy mới phát sinh.