Nhiều ý kiến đóng góp về quyền chủ trì, duy trì an ninh biên giới của Bộ đội Biên phòng
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Quốc hội cần có đánh giá tác động trước khi giao vai trò chủ trì cho lực lượng Bộ đội Biên phòng |
Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều vấn đề về tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng; nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng Điều; quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới…
Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi.
Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 6 chương, 36 điều.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) đồng tình với việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng như dự thảo luật là phù hợp, cần thiết.
“Tại khu vực biên giới quốc gia có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, vì vậy cần thiết phải quy định một lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức để duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các tuyến biên giới, vùng biển...”, bà Hoa phân tích.
Trước một số ý kiến lo ngại việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bộ đội biên phòng như dự thảo luật sẽ gây chồng chéo với lực lượng khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, “đây không phải chồng chéo mà là sự đồng hành trong xử lý”.
Tranh luận lại với các ý kiến đồng thuận giao vai trò chủ trì, duy trì an ninh biên giới cho Bộ đội Biên phòng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu nói quy định này là đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành là chưa chính xác.
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình một số nội dung |
Theo ông Hồng, Luật Quốc phòng không quy định giao cho Quân đội chủ trì an ninh trật tự khu vực biên giới.
Mặt khác, Điều 35 Luật Quản lý biên giới, trong 7 quy định không có quy định nào nêu vai trò chủ trì. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp trước cũng không có từ “chủ trì” mà tới kỳ này, sau khi chỉnh lý mới thêm vào.
“Tôi không có ý đi ngược lại với ý kiến các đại biểu nhưng đề nghị khi chúng ta đưa vào một chính sách, quy định rất mới là “vai trò chủ trì” thì Quốc hội cần có đánh giá tác động”, ông Hồng nói.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu làm rõ thêm ý kiến các đại biểu nêu.
Dẫn lại một số văn bản pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quy định giao thẩm quyền chủ trì, duy trì an ninh biên giới cho lực lượng Bộ đội Biên phòng như dự thảo luật không phải vấn đề mới, mà chỉ là thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
“Mặt khác theo dự thảo luật, Bộ đội Biên phòng chỉ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vị khu vực biên giới, cửa khẩu, hoàn toàn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ các lực lượng khác”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lý giải.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ Quốc phòng tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua.