Bài 3: Nỗ lực cán đích huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Vĩnh Phúc
Bài 2: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới Bài 1: Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới |
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Lạc cho biết, Yên Lạc là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, theo Quyết định số 2399/QĐ-TTg ngày 28/12/2015.
Huyện Yên Lạc có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng, chạm đích huyện nông thôn mới nâng cao vào tháng 8-9/2024 tới đây, vượt trước 6 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm quan Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. |
Luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, huyện Yên Lạc tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, chung tay, góp sức của toàn thể Nhân dân với quyết tâm cao nhất, sớm đưa huyện Yên Lạc cán đích huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Lạc tích cực tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Bí thư các Chi, Đảng bộ cơ sở.
Đồng thời, huyện cũng xây dựng phóng sự, tờ rơi về chương trình xây dựng nông thôn mới làm tài liệu tuyên truyền, vận động Nhân dân; Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các Chi, Đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện.
Các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa như: Thông qua các cuộc họp thôn triển khai xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn; tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu, pano, hệ thống xe lưu động phát huy hiệu quả.
Nội dung tuyên truyền được đổi mới và đi vào thực tế bằng những việc làm cụ thể, bằng những gương điển hình tiên tiến, những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa, địa phương này học tập cách làm mới của địa phương kia, người dân chung sức tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm quan mô hình trồng cây phật thủ tại thôn Nhật Chiêu 3, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. |
Huyện Yên Lạc đã huy động trên 2.730 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc trên 267 tỷ đồng; ngân sách huyện 120,8 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp trên 312,9 tỷ đồng.
Trong đó, tích cực góp sức vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, Mặt trận tổ quốc huyện đã xây dựng 369 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với tổng chiều dài 110.459m, tổng số tiền Nhân dân ủng hộ trên 4 tỷ đồng và 4.849 ngày công.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tham gia xây dựng, duy trì 12 mô hình “3 sạch”, 2 mô hình “5 có 3 sạch”, 170 mô hình đường hoa phụ nữ, 90 tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; 150 đoạn đường phụ nữ tự quản, 8 câu lạc bộ, tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, 4 câu lạc bộ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, 75 tổ, nhóm phụ nữ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; 64 mô hình nhà sạch vườn xanh; 55 mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình.
Hội Cựu chiến binh vận động cán bộ, hội viên đóng góp trên 1,2 tỷ đồng, ủng hộ trên 1,6 tỷ đồng, hiến gần 400m đất, gần 3.400 ngày công, vẽ 1.400m2 tranh, trồng trên 79.400 cây xanh, hoa các loại.
Với nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn và tạo ra được các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, huyện Yên Lạc đang dẫn đầu tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, với 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao đã hoàn thành.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tham quan nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Tam Hồng |
Tính đến hết tháng 4/2024, huyện Yên Lạc có 9/15 xã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 74/125 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; 1 xã đạt tiêu chí xã thông minh; 4 thôn đạt tiêu chí thôn thông minh; 125/125 thôn văn hóa, 17/17 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa xã, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn.
Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Yên Lạc phấn đấu hết năm 2024, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 88/125 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt chuẩn xã thông minh; thị trấn Tam Hồng và thị trấn Yên Lạc đạt chuẩn đô thị văn minh. Đến năm 2030 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cấp đô thị đạt loại IV, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của cư dân nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Yên Lạc |
Ngày 14/5/2024 vừa qua, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Lạc đã nêu rõ, Yên Lạc là huyện rất nổi bật như phát triển kinh tế, văn hóa để tạo cơ hội thúc đẩy phát triển trong tương lai. Người dân nơi đây năng động như xây dựng làng nghề Nông thôn, học hành, thi cử. Hệ thống chính trị tốt, đoàn kết trong sạch vững mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng đồng tình ủng hộ việc phát triển công nghiệp gắn liền phát triển cụm làng nghề, nâng cao hiệu quả làng nghề gắn liền môi trường; phấn đấu huyện Yên Lạc Nông thôn mới đô thị thông minh, nông thông thông minh.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu huyện tập trung nguồn lực, công sức và sự tham gia của người dân để xây dựng Nâng thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, làng văn hóa kiểu mẫu, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, nông thôn thông minh, giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu.
Các thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh bỏ phiếu đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, xét công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. |
Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức họp thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023.
Ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Huyện Yên Lạc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Ban Chỉ đạo và huyện Yên Lạc đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và tổ chức chính trị xã hội của huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động và bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Khắc Hiếu thông tin về các tiêu chí trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. |
Đến nay, huyện Yên Lạc đã đảm bảo các điều kiện và đạt chuẩn 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, huyện Yên Lạc quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng nguyên tắc, đảm bảo hiệu quả, thiết thực; quy trình phân bổ vốn hợp lý. Các dự án xây dựng nông thôn mới nâng cao đều thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm của cấp huyện, cấp xã, được bố trí vốn theo đúng quy định, do vậy, huyện Yên Lạc không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Căn cứ kết quả kiểm phiếu, đối chiếu với quy định về xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Lạc được 100% số phiếu đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho biết, tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định giai đoạn 2021-2025; 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 177 thôn đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 11 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; có 2 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đang tiếp tục hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong năm 2024, huyện Yên Lạc đang tập trung thực hiện hoàn thành các điều kiện, tiêu chí đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc thông tin kết quả nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tập trung giải quyết. Cụ thể, đối với các xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới còn khó khăn về các tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa thôn, môi trường và an toàn thực phẩm; xã xây dựng nông thôn mới nâng cao còn khó khăn về chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung yêu cầu đạt ≥ 65%, do hiện nay UBND tỉnh đang tạm dừng triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình, dự án cấp nước sạch tập trung cho các xã trên địa bàn tỉnh.
Khó khăn trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao là thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (quy định huyện NTM đạt ≥ 43%, huyện nông thôn mới nâng cao đạt ≥53%. Đến hết năm 2023, huyện Tam Đảo đạt 10,84%, huyện Lập Thạch đạt 10,55%, huyện Sông Lô đạt 17,81%, huyện Tam Dương đạt 33,38%, huyện Vĩnh Tường đạt 37,63%, huyện Yên Lạc đạt 22,1%).
Ngoài ra, các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu: Có công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp; huyện Tam Dương khó khăn trong việc lập và triển khai dự án nâng cấp Trung tâm văn hóa - thể thao huyện đảm bảo đạt chuẩn theo quy định...
Để tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu của chương trình đã đề ra, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo lộ trình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, kết quả thực hiện chương trình; kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong triển khai.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh; quán triệt tư tưởng “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân. Vận động nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.