Những vướng mắc cần tháo gỡ để kiều bào góp sức cho quê hương
Quan tâm hơn nữa để kiều bào gìn giữ, phát huy tiếng Việt Phát huy vai trò của kiều bào trẻ trong các hội đoàn ở nước ngoài Kiều bào ấn tượng trước sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Băn khoăn về thủ tục làm căn cước công dân
Hiện Việt Nam có hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều doanh nhân, trí thức thành đạt ở các nước. Họ chính là nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng là những đối tác giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới.
Những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bằng năng lực trau dồi, học hỏi được ở các nước sở tại, nhiều người đã quyết định quay trở về Việt Nam làm việc và đóng góp cho Tổ quốc. Song, mặc dù là "về nhà", họ vẫn ít nhiều gặp phải khó khăn, thách thức.
Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị Hiền, Việt kiều sinh sống tại Hàn Quốc bày tỏ: “Bất kể ai khi đi xa cũng đều mong muốn một ngày gần nhất quay trở về với quê hương. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc có nhiều trường hợp người Việt Nam qua đây làm dâu từ thời điểm trước năm 2011, khi ấy, để mang quốc tịch Hàn, họ phải cắt bỏ quốc tịch Việt Nam. Sau nhiều năm làm dâu xa xứ, họ muốn trở về quê hương nhập lại quốc tịch, tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội nghị NVNONN |
Cũng cùng trăn trở, chị Lê Thương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Osaka cho rằng: “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho kiều bào ở xa quê hương, song đối với những kiều bào đã đến Nhật Bản sinh sống và làm việc từ hơn 30 năm về trước, thú thực, họ vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề giấy tờ, thủ tục, hồ sơ nếu có mong muốn trở về nước ở thời điểm hiện tại. Rời Việt Nam từ lâu, đến nay, nhiều người không còn có tên trong sổ hộ khẩu, cũng không thể làm căn cước công dân tại Việt Nam. Đây là một bất lợi lớn nếu họ muốn xây dựng cơ sở doanh nghiệp tại Việt Nam".
Chị Lê Thương chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Ngoài ra, bên cạnh việc nhập quốc tịch, làm căn cước công dân, người Việt Nam ở nước ngoài muốn về kinh doanh trong nước vẫn còn tâm lý e dè bởi những khác biệt về thể chế, rào cản ngôn ngữ...
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Betty Pallard - Phó Chủ tịch, Tiểu Ban Phát triển xanh (GGSC) của EuroCham, kiều bào đến từ Châu Âu cho rằng, một chính sách nhất định phải có ở Việt Nam để có thể thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là Việt kiều về nước đầu tư, phát triển chính là vấn đề về giao dịch tài chính.
Theo chia sẻ của chị Betty Pallard, đầu tư về Việt Nam thì rất dễ nhưng để rút vốn khỏi Việt Nam đi làm việc ở chỗ khác thì hầu như không được.
Chị Betty Pallard - Phó Chủ tịch, Tiểu Ban Phát triển Xanh (GGSC) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị NVNONN |
“Đây là những điều không hợp lý và không bình đẳng. Tôi không thể chỉ đầu tư một mình mà đôi khi cần có sự kết nối với người nước ngoài, với các cổ đông quốc tế, song đối tác quốc tế thường đặc biệt chú ý và cẩn trọng đến việc rút vốn xoay vòng. Vì vậy, việc hạn chế trong xoay chuyển dòng vốn tại Việt Nam khiến rất nhiều đối tác đã từ chối hợp tác cùng tôi. Nếu thực sự muốn Việt Nam ngày càng phát triển thì vấn đề giao dịch tài chính cần được quan tâm nhiều hơn”, chị nói.
Cần chú trọng tuyên truyền chính sách cho kiều bào trẻ
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, ngày càng trở thành một bộ phận và nguồn lực quan trọng của đất nước. Trong số đó, nhiều gương mặt trẻ trung, năng động, mang trong lòng tình yêu quê hương và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bạn Nguyễn Phương Linh, Việt kiều Mỹ bày tỏ: “Là những người trẻ sống xa quê hương từ bé, chúng em đều có mong muốn được quay trở về lập nghiệp trên đất mẹ. Vì vậy, chúng em luôn mong muốn được cập nhật kịp thời, thường xuyên những thông tin, chính sách hỗ trợ cho người trẻ startup nhằm tối ưu hóa cơ hội và giảm rủi ro trong quá trình kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Bạn Nguyễn Phương Linh là kiều bào sinh sống tại Mỹ |
Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới. Em nghĩ, khi các chính sách đủ để thu hút thì sẽ rất nhiều người trẻ sẵn sàng quay trở về Việt Nam và cống hiến”.
Bày tỏ tâm tư, chị Hà Kim Nhạn, kiều bào tại Đan Mạch nói: “Tôi mong muốn Nhà nước Việt Nam sẽ tạo thêm sợi dây kết nối cho kiều bào được hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách của Việt Nam thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chương trình, sự kiện nhằm kết nối, thu hút nguồn lực NVNONN. Qua đó, kiều bào Việt có thể biết hiểu hơn về kế hoạch sắp tới của nước nhà, cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Chúng tôi cũng muốn được hỗ trợ thông tin về quyền sở hữu, thiết lập các hợp đồng pháp lý để bảo đảm các quyền của họ khi đầu tư, kinh doanh trong nước”.
Kiều bào Hà Kim Nhạn |
Ở khía cạnh kinh doanh, chị Nguyễn Minh Liên - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex, doanh nghiệp thu mua hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bỉ và EU hy vọng, thời gian tới, cơ quan Nhà nước hãy hỗ trợ cho nông dân nâng cao nhận thức về sản phẩm, về an toàn vệ sinh thực phẩm, không phạm những lỗi cơ bản về bao bì đóng gói bởi quá trình nhập nông sản sang thị trường quốc tế còn gặp rất nhiều khó khăn về tiêu chuẩn, quy trình xuất nhập khẩu hàng hoá logistics...
Kiều bào Nguyễn Minh Liên chụp ảnh kỷ niệm tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc |
Tại buổi gặp gỡ các kiều bào tiêu biểu vào chiều 23/8 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, du lịch, đầu tư sản xuất, kinh doanh; hết sức cầu thị, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế xây dựng đất nước của bà con. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn hơn 6 triệu kiều bào sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc như Bác Hồ đã nói với bà con kiều bào khi Người thăm Pháp năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một đại sứ Nhân dân của Việt Nam, thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quý báu của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập và phát triển mạnh trong đời sống xã hội nước sở tại. |