Nhiều sáng tạo để lan tỏa 2 Bộ Quy tắc ứng xử
Ấn tượng vì những cách làm hay
Ngày 12/9, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã đi thực tế tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng để kiểm tra về việc thực hiện 2 Bộ QTUX. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Bộ phận một cửa: Việc niêm yết (QTUX); Khuôn viên, chỉnh trang nơi làm việc cũng như thái độ thực thi nhiệm vụ trong giao tiếp, ứng xử với công dân, đồng nghiệp tại các địa bàn trên.
Tại huyện Thạch Thất, đoàn công tác đã ghi nhận nhiều điểm tích cực tại UBND xã Đại Đồng và UBND huyện. Cụ thể, tại UBND huyện Thạch Thất, các thành viên của đoàn công tác đã vô cùng ấn tượng trước việc lưu trữ tài liệu khoa học của Phòng Tài nguyên – Môi trường. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chia sẻ, nhiều năm nay, công tác lưu trữ tài liệu của huyện luôn được coi trọng. Phòng Tài Nguyên – Môi trường là một trong những đơn vị có số lượng tài liệu lưu giữ nhiều nhất huyện. Huyện đã thống kê tài liệu, bố trí kệ hợp lý và hàng năm chuyển về phòng lưu trữ của huyện để chuẩn bị tốt nhất cho việc số hóa thủ tục hành chính tới đây.
Ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cùng các thành viên của đoàn công tác rất ấn tượng với cách lưu trữ tài liệu khoa học ở huyện Thạch Thất |
Bày tỏ sự ấn tượng trước công tác tập hợp và lưu trữ hồ sơ của các phòng, ban của huyện Thạch Thất, ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), Trưởng đoàn kiểm tra đã đề nghị huyện chia sẻ và nhân rộng cách làm này tại các cơ quan, xã, thị trấn trên địa bàn.
Trong khi đó, ghi nhận của đoàn kiểm tra cho thấy, tại các bộ phận một cửa của huyện và xã Đại Đồng, công tác trang trí, đã đáp ứng được yêu cầu: Có bảng biển, biểu phí, có niêm yết thông tin cán bộ một cửa; Có quy định nội dung yêu cầu cán bộ một cửa; Đảm bảo các khu vực được phân chia rõ ràng; đường đi lối lại thuận lợi, bố trí bàn ghế, nước uống cho công dân. Đặc biệt, tại các bàn làm việc ở bộ phận một cửa đều được trang trí cây xanh, tạo cảm giác dễ chịu cho người dân đến làm việc. Cùng với đó, số điện thoại của lãnh đạo xã đều được dán công khai ở các quầy tiếp công dân. Công chức làm việc tại bộ phận một cửa mặc đồng phục, đeo thẻ tên, thẻ chức danh theo quy định.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thạch Thất niêm yết công khai Bộ QTUX và các biểu phí về thủ tục hành chính |
Bà Kiều Thị Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ, để triển khai có hiệu quả QTUX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, UBND xã đã triển khai xây dựng các mô hình như: “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”; Mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”; Mô hình “Hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử và triển khai thực hiện giải quyết các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06 tại bộ phận 1 cửa”...
Bên cạnh đó, theo bà Khuyến: “Xã đã rất coi trọng việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thi hành công vụ; Mở hòm thư góp ý, số điện thoại thường trực để nhân dân kịp thời kiến nghị, phản ánh những thắc mắc trong quá trình giao dịch công việc; Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Giải quyết công việc đúng quy định, quy trình, không sách nhiễu, không gây căng thẳng, bức xúc”.
Bà Kiều Thị Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ về cách nhân rộng mô hình thực hiện QTUX |
“Một trải nghiệm như đi nghỉ tại…resort”
Đó là câu nói đùa của các thành viên đoàn kiểm tra của TP Hà Nội khi đi thực tế việc thực hiện QTUX tại huyện Đan Phượng trong sáng nay. Song, theo người viết, có lẽ đó cũng là cảm nhận chung của người dân khi đặt chân tới UBND xã Tân Hội và UBND huyện Đan Phượng. Bởi lẽ, ở địa phương này, không gian làm việc rất xanh. Cây cảnh, hoa lá không chỉ bao quanh trụ sở làm việc mà ngay tại bàn tiếp công dân, bộ phận một cửa hay các phòng… đều được bố trí rất hợp lý. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính của huyện được thực hiện vô cùng khoa học. Công dân đến đây đều được cán bộ, công chức hướng dẫn các thao tác tìm kiếm tài liệu trên máy, lấy số thứ tự điện tử lần lượt. Khi đến lượt, họ sẽ được thông báo bằng loa và được cán bộ ân cần tiếp đón.
Em Nguyễn Thu Hương, ở thôn Thương Hội, xã Tân Hội |
Tại UBND xã Tân Hội, chúng tôi đã gặp em Nguyễn Thu Hương, ở thôn Thương Hội, xã Tân Hội đến lấy dấu giáp lai chứng nhận sổ đoàn. Trong vòng 15 phút kể từ khi vào lấy số thứ tự, Hương đã có kết quả. Hương chia sẻ, dù không mấy khi có việc đến UBND xã để làm thủ tục hành chính, nhưng hôm nay đến đây, em cảm nhận được sự trợ giúp rất nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức xã, đặc biệt là cô gái này luôn ấn tượng về không gian làm việc hiện đại, kỷ luật, chuyên nghiệp nhưng vẫn rất thân thiện ở đây.
“Em thấy việc lấy số thứ tự qua máy điện tử như thế này rất chuyên nghiệp và nhanh chóng. Điều này mang lại cảm giác rất yên tâm và quy củ vì không phải chen lấn xếp hàng như mọi người hay nghĩ về việc đi đến các cơ quan công sở để được giải quyết thủ tục hành chính” – Hương nói.
Được biết, để mang được trải nghiệm khó quên đối với người dân khi đến làm việc các thủ tục hành chính tại 15 xã và 1 thị trấn hay các cơ quan trên địa bàn, huyện Đan Phượng đã thực hiện rất tốt việc lồng ghép tuyên truyền thực hiện 2 bộ QTUX vào các cuộc thi, hội diễn. Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng.
Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo xuyên suốt, xây dựng 7 mô hình văn hóa tiêu biểu như: Mô hình Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; Mô hình trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; Mô hình cơ quan văn hóa, ứng xử hay, nói lời đẹp; Mô hình công chức bộ phận một cửa hiện đại.
Bộ phận một cửa ở xã Tân Hội được bố trí cây xanh và khá hiện đại |
“Trong khi các huyện khác chỉ xây dựng có 1-2 mô hình thì Đan Phượng tập trung tới 7 mô hình và nhân rộng, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân xã… cùng vào cuộc. Đây là một điển hình về thực hiện 2 Bộ QTUX của thành phố Hà Nội sau 6 năm triển khai” - ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình đánh giáo cao.
Người dân có thể lấy số thứ tự khi tới trụ sở UBND xã Tân Hội để làm việc |
Chuyển biến còn chưa đồng bộ
Ghi nhận tại đợt kiểm tra này, bên cạnh một số điển hình tốt như Thạch Thất, Đan Phượng, vẫn còn một số địa phương vẫn còn chuyển biến chậm và chưa đồng bộ trong thực thiện QTUX của TP. Chẳng hạn, tại Ba Vì, một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn kém linh hoạt khi tiếp công dân hay giải quyết thủ tục hành chính; Công tác lưu trữ hồ sơ còn thiếu khoa học; Tại bộ phận một cửa, biển bảng, logo cũ thậm chí chưa đầy đủ; Quyết định, văn bản niêm yết vẫn chưa được cập nhật…
Tại buổi kiểm tra, ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng đoàn kiểm tra cùng các thành viên đã thẳng thắn góp ý, phê bình và đề nghị chấn chỉnh các địa phương còn lơ là, hời hợt khi thực thi nhiệm vụ.
“Chỉ số hài lòng của người dân chính là thước đo về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức có đúng mực, thân thiện hay không cũng như giải quyết thủ tục hành chính có thuận lợi không. Để 2 Bộ QTUX thật sự đi vào cuộc sống, thì cần tránh “bệnh hình thức” mà cần nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo bằng cách khen thưởng, động viên kịp thời, từ đó thực hiện hiệu quả 2 Bộ QTUX của TP, góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.