Nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng, thực hiện hương ước
Phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng lối sống văn minh Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): 100% thôn làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước |
Xây dựng nếp sống văn minh
Mới đây, tại một hội nghị tập huấn về hương ước, quy ước, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở TT-VH Hà Nội cho biết, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Hương ước đã tồn tại khá lâu và có những bước phát triển thăng trầm trong đời sống xã hội của nước ta từ xưa đến nay.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong thời gian qua góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bài trừ các hủ tục lạc hậu; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở TT-VH Hà Nội phát biểu tại hội nghị tập huấn về xây dựng, thực hiện hương ước. |
Tại huyện Chương Mỹ, từ năm 1995 đến năm 2023, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, tác động đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”.
Các đại biểu tham dự sự kiện |
Đầu năm 2018, 100% thôn, tổ dân phố đã xây dựng và triển khai thực hiện quy ước Làng văn hóa. Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 64 thôn và 4 tổ dân phố thực hiện việc rà soát, sửa đổi bổ sung quy ước, hương ước. Đến ngày 12/9/2023, trên địa bàn huyện có 114/208 thôn, tổ dân phố thuộc 18/32 xã, thị trấn đã thực hiện xong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và có quyết định phê duyệt hoặc công nhận hương ước, quy ước mới. Các xã, thị trấn đã lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hương ước, quy ước trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và gia đình cấp xã.
Ông Bùi Văn Hải - Trưởng thôn Trê, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội chia sẻ, cùng với hệ thống pháp luật của Nhà nước, quy ước làng ở thôn Trê xã Tuy Lai đã và đang hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong Nhân dân.
"Quy ước đi vào cuộc sống như nét đẹp văn hoá truyền thống thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới ở thôn Trê xã Tuy Lai nói riêng, góp phần cùng huyện, TP xây dựng văn hóa người Hà Nội trong thời đại mới" - ông Hải khẳng định.
Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở
Chia sẻ về việc thực hiện hương ước của thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Bí thư Chi bộ thôn cho hay, việc xây dựng hương ước đã được xây dựng từ những thập kỷ 1990 đến nay.
Thôn đã thực hiện các quy trình xây dựng hương ước đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước theo đúng quy trình Nghị định 61/2023 NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Song, địa phương cũng bổ sung nhiều quy định mới trong thực hiện lễ hội truyền thống hàng năm. Để công tác tổ chức lễ hội được thành công, thôn Trần Đăng đã thực hiện các quy trình rất sớm ngay từ tháng 8 năm trước, gửi tờ trình và xây dựng kế hoạch tới UBND xã xin ý kiến chỉ đạo, sau khi được đồng ý, các ban, ngành đoàn thể đều vào cuộc tích cực.
“Khi lễ hội diễn ra, có tới hàng ngàn người tham gia. Do vậy, công tác chỉ đạo và thực hiện phải đúng với các điều khoản của hương ước trên nền tảng đúng pháp luật, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, bãi bỏ các hủ tục mê tín dị đoan…”- ông nói.
Người dân tích cực tham gia vẽ tranh bích họa tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, Thanh Oai, TP Hà Nội. |
Qua thực tiễn ở thôn, ông Quyền cho rằng, từng điều khoản của quy ước, hương ước, đã góp phần làm cho thôn Trần Đăng trở thành một vùng quê đáng sống, lễ hội được duy trì. Tình hình an ninh chính trị xã hội được đảm bảo, tình làng nghĩa xóm được củng cố, tệ nạn xã hội giảm rõ rệt, người dân trong thôn sống nhân nghĩa, yêu thương nhau hơn, truyền thống tốt đẹp được xây dựng, hủ tục lạc hậu bị loại bỏ, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Cần rà soát, bổ sung cho phù hợp tình hình mới
Dù việc thực hiện hương ước đúng quy định của pháp luật, song lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, nhiều quy ước đã được xây dựng từ lâu, nhiều nội dung không còn phù hợp; một số quy ước mới sửa đổi, bổ sung nhưng không đúng quy định (trong đó đáng chú ý là các quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở).
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ đề xuất, các địa phương từ huyện đến thôn, tổ dân phố, cần nhận thức về trách nhiệm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy ước, hương ước là thường xuyên nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư; phát hiện, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, không đúng quy định của pháp luật để quy ước, hương ước sau khi sửa đổi, bổ sung được cộng đồng dân cư ủng hộ, tham gia thực hiện, thực sự đi vào cuộc sống.
Bà Phùng Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ dân phố 28, Khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa đưa ra ý kiến: “Để đáp ứng những yêu cầu của tình hình hiện nay, chúng ta phải nhìn vào thực trạng của xã hội đang phát triển mà gắn những nội dung phù hợp với từng giai đoạn, luôn đổi mới nội dung, hình thức, hiểu rõ địa bàn thực hiện, nội dung quy ước thì mới phát huy được những giá trị truyền thống ngàn đời ông cha ta để lại".
Trong các ngày từ 11-13/6, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024. Nội dung cụ thể, triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, Hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện, kiểm tra, rà soát quy ước, hương ước. Hội nghị tập huấn được tổ chức chia thành 5 cụm. Cụm 1 gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Cụm 2 gồm 6 huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên. Cụm 3 gồm: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì. Cụm 4 gồm: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ. Cụm 5 gồm: Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn. |