Nhận diện các rủi ro, tiêu cực khi thi hành sớm 4 luật

Các đại biểu Quốc hội đề nghị không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm khi thi thành sớm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuần này, Quốc hội xem xét thông qua loạt dự án luật quan trọng Không tạo khoảng trống pháp luật, trục lợi khi thi hành sớm 4 luật

Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tuy nhiên, để các luật sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị sửa đổi thời điểm thi hành một số điều, khoản chuyển tiếp của các luật trên.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (1 luật sửa 4 luật).

Theo đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang), việc trình ra Quốc hội điều chỉnh sớm thực hiện các luật trên đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc triển khai sớm các quy định của pháp luật về nội dung thi hành điều chỉnh 4 luật này.

Nếu sớm thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện tại. Đặc biệt, các giải pháp về nguồn lực đất đai sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Nhận diện các rủi ro, tiêu cực khi thi hành sớm 4 luật
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ mới nêu các điểm tác động tích cực và những điểm có lợi khi triển khai thực hiện 4 luật. Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ những rủi ro và những yếu tố tác động bất lợi khi triển khai sớm các luật này.

Khi đánh giá được những khó khăn, rủi ro, Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ kịp thời đưa ra giải pháp và nhiệm vụ phù hợp. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần có sự hướng dẫn về thứ tự ưu tiên xây dựng, thực hiện các nghị định, thông tư để khi luật có hiệu lực thi hành ở địa phương thì có thể triển khai được ngay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật thuộc trách nhiệm của địa phương.

Bên cạnh đó là đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm luật có hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp.

Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, đảm bảo chất lượng, tiến độ; không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời, để khi các luật này được có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thì dễ dàng thực hiện, không bị chênh, bất cập gây khó khăn cho người dân như khẳng định của Chính phủ là sẽ không bất cập, không vướng mắc và kịp thời, đúng lúc.

Tại phiên thảo luận ngày 21/6, đa số các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc sớm thi hành các luật nhưng các đại biểu cũng góp ý nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo thi hành luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật. Nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực, có giải pháp kiểm soát, khắc phục và quy định rõ về trách nhiệm liên quan và báo cáo thông tin lại cho các đại biểu Quốc hội sau ngày luật được thông qua.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp cũng như cản trở sự phát triển. Không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi và đối tượng chịu tác động môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hậu Lộc
Phiên bản di động