Nhà đầu tư ngoại tăng góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp bất động sản tăng giải thể, giảm thành lập mới Nỗi lo không người kế nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản Các doanh nghiệp có tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu |
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 1627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,77 tỷ USD, chiếm 85,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 453,2 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 716,6 triệu USD, chiếm 9%.
Ảnh minh họa. |
Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,36 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,57 tỷ USD, chiếm 19,8%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 850,2 triệu USD, chiếm 10,7%; Đài Loan 641 triệu USD, chiếm 8,1%; Nhật Bản 493,3 triệu USD, chiếm 6,2%.
Trong 7 tháng năm 2023, vốn đăng ký điều chỉnh có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,99 tỷ USD, chiếm 82,6% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 660 triệu USD, chiếm 5,5%; các ngành còn lại đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 11,9%.
Trong khi đó, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.852 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 694 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,38 tỷ USD và 1.158 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,76 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 37% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 952,9 triệu USD, chiếm 23%; ngành còn lại 1,66 tỷ USD, chiếm 40%.