Nỗi lo không người kế nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản

Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản năm 2019 ước tính đến năm 2025, nước này có khoảng 1,27 triệu chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhỏ từ 70 tuổi trở lên không có người kế nghiệp. Xu hướng này có thể làm mất đi 6,5 triệu việc làm, giảm quy mô của nền kinh tế Nhật Bản khoảng 22.000 tỷ yen (166 tỷ USD).
Nước nào soán ngôi hộ chiếu quyền lực nhất của Nhật Bản? Nhật Bản làm gì để thu hút khách du lịch siêu giàu Người dân Nhật Bản học cách mỉm cười sau COVID-19

Tới năm 2029, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn, khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (sinh năm 1946 - 1964) chạm ngưỡng tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản là 81 và đa số là chủ tịch các công ty nhỏ.

Ông Tomoyuki Ohashi (74 tuổi) sắp đóng cửa nhà hàng của mình tỉnh Kanagawa, Nhật Bản sau 35 năm tiếp quản công việc kinh doanh từ cha mình.

Ông Ohashi cho biết, ông rất khó nói chuyện với con trai mình, người đang làm nhân viên văn phòng và không có hứng thú với công việc kinh doanh của gia đình.

“Nói chuyện với thằng bé rất khó khăn. Suốt mấy năm qua, gần như lúc nào hai cha con cũng cãi vã về chuyện kế nghiệp,” ông tâm sự.

Nỗi lo không người kế nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản
Ông Kiyoshi Hashimoto thành lập công ty của mình gần 40 năm trước. Nay đã quá tuổi nghỉ hưu, ông không có người kế nhiệm cũng như người mua lại (Ảnh: AFP)

Nhà hàng của ông là một trong số hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa trong năm vì không có người kế nghiệp nắm quyền. Có những cơ sở được người ngoài mua lại, số khác được người trong nhà thừa kế. Tuy nhiên, hầu hết đều có số phận giống như nhà hàng của ông Ohashi: Đó là biến mất.

Tương tự, ông Kiyoshi Hashimoto (82 tuổi) có nguy cơ phải đóng cửa doanh nghiệp nhỏ của mình ở ngoại ô Tokyo vì không có người kế nghiệp, cũng chưa tìm được người mua lại.

Ông Hashimoto thành lập công ty gần 40 năm trước. “Toàn bộ máy móc thiết bị sẽ thành phế thải nếu tôi đóng cửa bây giờ", ông Hashimoto nói về xưởng chế tạo máy ở Yachimata, phía Đông Tokyo, nơi đầy bàn máy, bàn khoan và tủ chứa linh kiện.

Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, hơn 40.000 công ty nhỏ mỗi năm đang cần người kế nhiệm.

Giống nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản thường được kế nhiệm bởi người nhà hoặc nhân viên đáng tin cậy. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài khiến các doanh nghiệp nhỏ không còn hấp dẫn với thanh niên.

Bên cạnh đó, ngày nay thế hệ trẻ đã chuyển đến thành phố để sống và không quan tâm đến việc tiếp quản các nhà máy hoặc cửa hàng sửa chữa nhỏ do cha mẹ gây dựng nữa. Các miền quê đang ngày càng giảm dân số vì nguyên do này.

Nỗi lo không người kế nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản
Hơn 40.000 công ty nhỏ mỗi năm tại Nhât Bản đang cần người kế nhiệm (Ảnh: HOKKAIDO SHIMBUN)

Vốn dĩ thế hệ trẻ này là niềm tự hào to lớn đối với cha mẹ họ nhưng nhiều người đã lựa chọn quay lưng lại với công việc kinh doanh của gia đình. Trong một nền văn hoá từ lâu đã đề cao lòng hiếu thảo và sự gắn kết gia đình, điều này lại càng khiến các bậc phụ huynh cảm thấy thất vọng.

Chính phủ Nhật đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các chủ doanh nghiệp nhỏ bán lại công ty. Các công ty tư nhân cũng nhảy vào làm cầu nối giữa người bán và người mua.

Đơn cử như Công ty Batonz đang thực hiện hơn 1.000 giao dịch giới thiệu mỗi năm, tăng từ 80 giao dịch lúc mới đi vào hoạt động năm 2018.

Yuichi Kamise, Chủ tịch công ty cho rằng, làn sóng đóng cửa doanh nghiệp nhỏ đồng nghĩa với việc mất đi các nghề thủ công đặc biệt, các dịch vụ độc đáo hay công thức nấu ăn gốc của các nhà hàng, những thứ đã tạo nên kết cấu văn hóa xã hội Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, cuộc khủng hoảng người thừa kế lại là hệ quả đến từ sự thành công của Nhật Bản. Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế xuất sắc sau chiến tranh đã tạo ra một lực lượng lao động lớn và có trình độ đại học trở lên.

Tụê Uyên
Phiên bản di động