Nhà đầu tư dự án điện đang uể oải, nghe ngóng, không dám làm

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện Quy hoạch, kế hoạch điện VIII đã công bố đến hơn một năm nhưng các nhà đầu tư rất uể oải; 11/13 dự án đã chọn được nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn chờ, nghe ngóng chứ không dám làm, bởi vì họ có làm thì cũng không tìm được các nguồn tài trợ về vốn...
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện Bộ Công thương: Công nghệ làm điện hạt nhân phải đảm bảo rủi ro bằng 0 Chính phủ xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn

Góp ý về việc sửa đổi Luật Điện lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện năng được xem như là bánh mì của nền kinh tế. Điện phải đi trước một bước để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004 và đã trải qua 4 lần sửa đổi (lần sửa đổi gần nhất là tháng 9/2023), nhưng cả 4 lần trước chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều và giải quyết được một số vấn đề vướng mắc phát sinh.

Ông Diên cho rằng, đến nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, trước đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng theo quy hoạch, nếu không có những cơ chế bảo đảm, thông thoáng thì rõ ràng không thể thực hiện được; bởi theo đến năm 2030 (tức là còn hơn 5 năm nữa) chúng ta phải đầu tư gấp hai lần số tổng công suất toàn hệ thống hiện nay, tương đương với mức 150.524MW và đến năm 2050 (tức là còn 25 năm nữa), phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương với mức 530.000MW trên phạm vi toàn quốc.

Đề cập đến cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đặc thù ở đây là đi ngược với Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại.

Nếu là thương mại thì lời ăn lỗ chịu, cạnh tranh cũng là như thế. Nhưng đối với lĩnh vực điện lực, nếu không đưa ra sản lượng điện tối thiểu cho một loại hình nguồn điện (điện nền, điện khí, hay trong tương lai có thể là điện hạt nhân) thì không thể nào triển khai được.

Nhà đầu tư dự án điện đang uể oải, nghe ngóng, không dám làm
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, cho đến giờ, Quy hoạch, kế hoạch điện VIII đã công bố đến hơn một năm nhưng các nhà đầu tư rất uể oải; 11/13 dự án đã chọn được nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn chờ, nghe ngóng chứ không dám làm, bởi vì họ có làm thì cũng không tìm được các nguồn tài trợ về vốn. Cùng với đó, đầu tư một nhà máy với nguồn vốn rất lớn thì phải có phương án thu hồi vốn.

“Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này phải giải quyết được bài toán là có cơ chế đặc thù và giao cho Chính phủ quy định cơ chế đặc thù. Cụ thể là quy định sản lượng điện tối thiểu, bao tiêu sản lượng điện tối thiểu cho những dự án điện nguồn, điện nền tập trung.

Tiếp theo là phải chấp thuận giá khí theo giá thị trường và như vậy giá điện cũng phải theo giá thị trường. Cho nên luật lần này có quy định rất rõ, phát triển thị trường điện trên cả 3 cấp độ gồm phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh. Một số nguồn điện nền rất cần có những cơ chế đặc thù thì phải quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Liên quan đến giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, thực tế giá điện của chúng ta hiện nay chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ giá thành điện năng, chúng ta mới cơ bản tính được giá sản xuất ở thị trường giao ngay với so sánh với giá bán ra theo quy định của Nhà nước, một loại giá nhưng 6 bậc.

Bộ trưởng giải thích, thực tế giá, phí truyền tải điện rất lớn, đơn cử như hệ thống truyền tải từ Ninh Thuận kéo ra phía Bắc, ngoài chi phí đầu tư hệ thống truyền tải, chi phí hao hụt đường dây, chi phí điều độ vận hành hệ thống điện cộng vào mới ra giá sản xuất, giá thành điện năng.

Nhưng thực tế, từ trước đến nay hệ thống truyền tải do nhà nước đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hưởng lợi từ cơ chế này, giá và phí truyền tải có được tính trong giá thành điện năng nhưng tỷ lệ rất thấp, vào khoảng 5-7% trong cơ cấu giá điện, trong khi thực tế giá và phí truyền tải, điều độ, vận hành hệ thống điện phải chiếm khoảng 30%, điều này mới đúng bản chất của giá thành.

“Trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo phải từng bước bóc tách, ngay cả cơ chế giá thì phải là giá điện 2 thành phần (giá điện năng và giá công suất). Như vậy, khách hàng không sử dụng điện nhưng đã tham gia vào lưới điện là phải trả một loại phí để duy trì an toàn, còn khách hàng dùng hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu”, Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh thêm, khung giá theo giờ thị trường cũng vậy. Lúc nắng nhiều thì giá điện rẻ, nhưng đến khi hết nắng, hết gió hoặc những lúc phải dùng nguồn điện nền giá cao thì phải chấp nhận giá cao.

“Phải từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, chừng nào bóc tách ra được và cân đối tương đối phù hợp thì mới có nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền tải”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan soạn thảo sửa điểm 2, Điều 4 của dự thảo luật từ tháng 9/2023 nhưng đến giờ không có một nhà đầu tư nào hỏi đến chuyện đầu tư về hệ thống truyền tải. Bởi họ thấy mức phí truyền tải rất thấp, trong khi đó, đầu tư rất cao và rủi ro vận hành hệ thống lại rất lớn, cho nên không ai làm.

“Do vậy chúng ta phải sửa, phải bóc tách từng bước giá và phí truyền tải, phí điều độ hệ thống điện ra khỏi giá thành điện năng, cân đối để làm sao đủ điều kiện, đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Cùng với đó, cơ chế để có thể quyết định chủ trương đầu tư đối với những công trình điện khẩn cấp được phép chỉ định, được phép giao, nếu không thì rất chậm”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động