Nguy hiểm nạn quảng cáo láo, lừa dối người tiêu dùng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thần Khang quảng cáo lừa dối người tiêu dùng Cẩn trọng với thông tin trà thảo mộc Dr.Thanh có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 |
Theo đó, hồi đầu tháng 7/2020, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên trang mạng quaythuoc.org, nhathuocbenhvien.vn, muathuocgiatoc.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe MT-Vikidomi vi phạm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hện quảng cáo; gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Dược phẩm Việt Bắc (địa chỉ: số 4 ngõ 414 đường Láng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội.) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Bắc không thừa nhận các website nêu trên của Công ty TNHH Dược phẩm Việt Bắc, cơ sở không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏeMT-Vikidomi trên trang mạng nêu trên.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Oncolysin được quảng cáo với công dụng không đúng sự thật, đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. |
Tương tự, Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện một số website có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nanofast không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này được Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam, (Địa chỉ: Tầng 1, số 170 Đê La Thành, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Zero Acnes, Viên sủi DiaBet, XOAN RICO, bổ thận Kanka Katsuryokujin, Đường huyết hoàn Halifa, UNVIS-PT, viên nén Liên Tâm An, Zero Acnes, hỗ trợ giảm cân Mộc Thảo, Enerjoy, Albuglucan, Entero Bifina và Pedia Baby Ăn ngon, Gastro Max-Gel, Nano Fast, Vinagout, Powerman Plus, Powerman extra, Mạnh cốt linh, Nexken Vicmen, Oncolysin... được quảng cáo có công dụng không đúng sự thật, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm Luật Quảng cáo.
Mới đây nhất, ngày 20/8, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thần Khang không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng trên một số website như https://kimthankhang.vn/bai-viet/thong-tin-san-pham/thong-tin-ve-san-pham-kim-than-khang.html.
Được biết, sản phẩm này do Công ty TNHH Tư Vấn Y Dược Quốc Tế (Địa chỉ: Số 9 Lô A Tổ 100 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, TP Hà Nội, Việt Nam) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Còn Công ty TNHH Dược Phẩm Á Âu (địa chỉ số 171, phố Chùa Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội) là đơn vị phân phối và tiếp thị sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để các xử lý vi phạm nêu trên. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo trên các website mà Cục phát hiện vi phạm.
Liên quan đến vấn đề pháp lý về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên, chia sẻ với phóng viên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Công ty Luật Đông Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần siết chặt và có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các trường hợp vi phạm quảng cáo sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử.
"Việc quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng đối với những sản phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người là cực kỳ nguy hiểm. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh mẽ đối với những trường hợp như vậy'', Luật sư Hồng chia sẻ.
Cũng theo vị Luật sư, việc quảng cáo cũng phải gắn trách nhiệm với các công ty sản xuất và phân phối, tiếp thị; bởi không ngoài trừ trường hợp các doanh nghiệp vì mục đích xấu có thể ''bắt tay" với nhau thổi phòng công dụng của sản phẩm để bán được hàng, vì lợi nhuận mà bỏ mặc sức khỏe của người tiêu dùng.