Nguy cơ cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh là rất hiện hữu
Xác định danh tính 11/14 nạn nhân tử vong trong vụ cháy ở Trung Kính Nghiêm túc thực hiện các biện pháp hạn chế nguồn cháy tại khu dân cư Hướng dẫn phòng cháy chữa cháy hiệu quả cho các hộ gia đình |
Nói về việc xảy ra vụ hỏa hoạn tại Hà Nội làm 14 người tử vong sáng 24/5, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã chia sẻ với sự mất mất to lớn đối với gia đình và thân nhân trong vụ cháy; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách pháp luật, nhất là trong thời điểm kỳ họp thứ 7 Quốc hội đang xem xét dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
"Tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khi thẩm tra dự án luật, tôi cũng đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh là rất hiện hữu, bất kể khi nào có thể xảy ra, nhất là tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê. Loại hình này nếu xảy ra cháy, khả năng thiệt hại lớn về người và tài sản.
Về công tác chỉ đạo, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, phản ứng của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, các cơ quan của Chính phủ và lực lượng chuyên trách Bộ Công an cũng rất nhanh.
Trước đó, Hà Nội cũng xảy ra một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (tại quận Thanh Xuân), thành phố đã tổ chức rà soát, cảnh báo cụ thể.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nguy cơ cháy vẫn rất lớn và đây là thực trạng đang diễn ra, bởi nhu cầu của người dân, của người lao động, của học sinh, sinh viên có nhu cầu thuê trọ lớn. Điều này lại đặt ra thách thức đối với công tác chữa cháy nếu hỏa hoạn xảy ra tại các ngõ ngách và nơi tập trung đông dân cư.
Trong khi đó, tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng (đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp) chưa được triển khai nên người dân không có sự lựa chọn khác. Vì vậy, giải pháp thời gian tới vẫn là ưu tiên công tác phòng cháy, trong đó tăng cường ý thức của người dân, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). |
Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, những nơi tập trung nhiều người lao động, cần tiến hành rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả những nhà ở kết hợp kinh doanh; phải trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần có biện pháp mạnh hơn nữa, tiến hành rà soát trên địa bàn nơi nào có nguy cơ cao, tính mạng người dân bị đe dọa thì kiên quyết xử lý. Giải pháp lâu dài vẫn là quy hoạch đô thị, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, giảm dần tình trạng thuê trọ tự phát với mật độ dày.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Điều 17 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành cũng đã quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhưng còn chung chung, chưa quy định cụ thể về giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa tại nhà ở kết hợp kinh doanh.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này.
Theo đó, có thể thiết kế một mục trong chương về phòng cháy, thiết kế nội dung kết hợp giữa quy hoạch, hạ tầng đô thị, thẩm quyền của địa phương và nghĩa vụ của công dân. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, cần quy định cụ thể thêm về biện pháp ngăn cháy trong luật, trong đó nên cấm hoạt động kinh doanh trong nhà cho thuê trọ.
“Bên cạnh quy định chặt chẽ trong luật, quan trọng nhất vẫn là đề cao vai trò của cá nhân, của mỗi người dân trong phòng cháy, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác nếu không hậu quả sẽ rất lớn”, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). |
Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội, sẽ rất là khó. Bởi số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở Thủ đô là rất lớn. Nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bao tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.
Thứ nhất, với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng. Thứ hai, nếu dừng, những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu?
Theo bà Nga, các quy định phòng cháy chữa cháy đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là rà soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng công thức chung.
Ví dụ với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, chúng ta không thể mở đường cho xe chữa cháy đủ vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm.
“Phải yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo được lối thoát hiểm. Tiếp đó, công tác tập huấn về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng ứng phó khi có sự cố là rất cần thiết”, đại biểu Nga nói.