Người trẻ yêu nhanh, cưới vội và ly hôn sớm

Vài năm trở lại đây, với sự thay đổi của xã hội cùng các văn hóa mới, nhiều người trẻ tại Việt Nam đang có xu hướng yêu nhanh, cưới vội. Đó chính là mồi lửa châm ngòi cho ly hôn xanh xảy ra khi các cặp đôi ngày càng dễ mất đi sự đồng cảm, yêu thương hoặc đơn giản là không thể sống chung được với nhau.
Giới trẻ “rối đầu” với nhiều kiêng kỵ dịp tháng 7 "cô hồn" Người trẻ chần chừ sinh con vì lương thấp, chưa mua được nhà Xu hướng làm việc online với thu nhập ổn định cho giới trẻ thời 4.0

Yêu nhanh, cưới vội, dễ dàng ly hôn

Sinh ra trong một gia đình khá giả và từng được rất nhiều chàng trai theo đuổi, Nguyễn Hương Giang (23 tuổi, sống tại quận Long Biên) vẫn quyết định gắn bó với một chàng trai tha thiết yêu mình sau 5 tháng tìm hiểu, hẹn hò. Một thời gian ngắn sau, Hương Giang mang thai và sinh con. Đó cũng chính là lúc mà mâu thuẫn bắt đầu.

Thay đổi từ ngoại hình, tâm lý cho đến việc Hương Giang phải dành nhiều thời gian hơn cho con làm cho chồng tỏ ra chán nản.

Sau sinh con, Giang cũng xin phép ở lại nhà mẹ đẻ để có người chăm sóc vì quê chồng ở cách xa Hà Nội - nơi hai vợ chồng đang sinh sống và làm việc. Điều này đã khiến bố mẹ chồng không hài lòng, gây áp lực lên chồng của Giang. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt cứ thế kéo dài âm ỉ khiến cuộc sống hai vợ chồng trẻ xấu đi.

Mọi chuyện được đẩy tới đỉnh điểm vào một lần chồng của Giang vừa đi công tác về, không hỏi han gì và "tặng" ngay cho vợ một cái bạt tai khi nghe bố mẹ nói rằng Giang không đưa cháu về quê thăm ông bà nội vào dịp cuối tuần dù đã gọi điện giục nhiều lần.

Không thể chấp nhận một người chồng vũ phu, Giang quyết định viết đơn xin ly hôn, giành quyền nuôi con khi đứa bé mới tròn 7 tháng tuổi, chấm dứt cuộc hôn nhân chóng vánh gần 2 năm.

Tương tự, từng bị bạn bè, người thân ngăn cản nhưng Đức Việt (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai) vẫn quyết tâm cưới bằng được người mình yêu sau 4 tháng tìm hiểu.

Người trẻ ào ạt “ly hôn xanh”
Nhiều người trẻ tại Việt Nam đang có xu hướng yêu nhanh, cưới vội và ly hôn sớm (Ảnh minh họa).

Đức Việt chia sẻ, lý do mà ngày đó gia đình, người thân, bạn bè không ủng hộ chàng trai vì vợ cũ lớn hơn Việt hai tuổi, từng có một đời chồng và một người con. Nhưng Việt vẫn nhất định làm cái điều mà mình cho là chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu hết, mặc dù từ lúc bắt đầu quen nhau cho đến lúc cưới chỉ hơn 4 tháng.

Về chung một nhà chưa được bao lâu mâu thuẫn ngày một nhiều từ những suy nghĩ, lối sống cho đến khoảng cách tuổi tác. Đó là chưa kể đến việc Việt chưa chuẩn bị tâm lý để làm cha đứa con riêng của vợ.

Đỉnh điểm của sự đổ vỡ khiến Việt dứt khoát phải đưa vợ ra tòa chính là việc chàng trai 26 tuổi bị vợ lừa dối. Cô ấy không chỉ ngang nhiên hẹn hò với một đồng nghiệp ở công ty mà còn thách thức Việt bằng những lời lẽ khó nghe. Cuộc hôn nhân của Việt kết thúc sau gần 1 năm sống chung cùng vợ.

Hương Giang hay Đức Việt không phải là những trường hợp hiếm gặp trong giới trẻ tại Việt Nam lúc này.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt đăng ký kết hôn mỗi năm. Tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Có tới 70% các cặp ly hôn thuộc độ tuổi dưới 30, và tỷ lệ này có xu hướng tăng lên sau mỗi năm. 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1 - 5 năm chung sống và ngày có càng nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng đã ly hôn. Những cuộc chia tay chóng vánh đó được gọi là "ly hôn xanh".

Thống kê này cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó có 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạco lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%... Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.

Khi yêu, đừng vội vã

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm Trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare), khi quyết định chọn một người để kết hôn, bất kỳ ai, đặc biệt là giới trẻ cần thời gian tìm hiểu kỹ đối tượng của mình từ gia cảnh, lối sống, tính cách... Đồng thời có kế hoạch về kinh tế, công việc để nuôi sống gia đình. Nhưng nếu yêu nhanh, cưới vội sẽ không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ càng những điều này.

Việc sống chung cần có sự đồng điệu giữa cả hai, nếu không sẽ nhanh dẫn đến chán nản và nguội lạnh. Từ vấn đề tài chính, những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng âm ỉ không giải quyết tới nơi, sẽ dẫn tới nguy cơ đổ vỡ hôn nhân.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ được cha mẹ cưng chiều, ủng hộ việc ly hôn nếu thấy con cái không hạnh phúc, khiến không ít người coi việc ly hôn như xu hướng mới.

Ngoài ra, ngày có càng nhiều người trẻ rơi vào tình trạng quyết định yêu nhanh, cưới vội ngay sau khi đổ vỡ trong tình yêu. Họ vội vàng chấp nhận cưới ngay người khác mong lấp đầy khoảng trống cô độc sau đổ vỡ. Điều này khó có thể là một lựa chọn tối ưu, vì cuộc hôn nhân mới sẽ dễ đi vào vết xe đổ trước kia cũng chỉ vì hấp tấp, vội vàng và thiếu suy xét.

Người trẻ ào ạt “ly hôn xanh”
Khi quyết định yêu và kết hôn, người trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

"Không hẳn mọi đám cưới bắt nguồn từ những cuộc tình vội vã đều kết thúc tại tòa án. Nhưng không hiếm cặp vợ chồng trẻ chỉ thời gian ngắn chung sống đã vội đưa nhau ra tòa để lại sự hối hận. Điều này rơi vào những cặp đôi chóng vánh tìm hiểu, yêu đương, khi về sống với nhau không như ý muốn. Bởi không tìm hiểu kỹ được nửa kia của mình và vội vàng chấp nhận, về sống chung bất đồng dễ xảy ra.

Người trẻ hiện đang đang có nhiều nhiều phẩm chất nổi bật, phù hợp với xã hội hiện đại như: cá tính, độc lập, linh hoạt. Chính bởi vậy, khi yêu họ dễ thu hút nhau, nhưng khi về một nhà thì điều ấy lại khiến ai cũng muốn bảo vệ cái tôi của mình bằng mọi giá. Đó là lúc mà các cuộc cãi vã hình thành, là thứ khiến việc ly hôn xảy ra", chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên nói.

Cũng theo chuyên gia Phạm Thảo Nguyên, nền tảng quan trọng cần có trong hôn nhân là cả quá trình yêu, thấu hiểu, chấp nhận, trách nhiệm với nhau. Giới trẻ cần cho bản thân mình thời gian để biết cách chọn đúng người, đúng thời điểm, thay vì tiếp tục sai lầm lần nữa.

Không có mẫu số chung cho những rạn nứt, nhưng có một kết quả chung là đều có những đứa trẻ bị bỏ rơi lại giữa cuộc chiến của người lớn, là những cá nhân với tổn thương nhất định từ tình yêu mà mình ảo vọng...

Phạm Thành
Phiên bản di động