Giới trẻ “rối đầu” với nhiều kiêng kỵ dịp tháng 7 "cô hồn"
Hà Nội: Tháng 7 “đền ơn đáp nghĩa” của phường Dịch Vọng Vướng tháng 'cô hồn', người Việt giảm mua sắm ô tô |
Hoãn xây nhà, miễn đi xa, không cưới hỏi,...
Nhận được tấm thiệp mời cưới đỏ chót của cô bạn đồng nghiệp, chị Phạm Thị Nhật Linh (26 tuổi – Hoàng Mai) không khỏi bất ngờ. Xem xét kỹ lại ngày tháng, chị lật đật ra hỏi đồng nghiệp: “Đang tháng 7 Âm lịch, hai vợ chồng không hỏi trước bố mẹ hai bên hay sao mà lại tổ chức đám cưới mùa này?”.
Cô bạn đồng nghiệp trả lời: “Em không biết. Bố mẹ không cảnh báo gì nên chúng em nhanh chóng chọn ngày về chung một nhà thôi”. Không chần chừ, chị Linh kéo ghế ngồi xuống giải thích cho cô bạn kỹ càng về “1001 lý do vì sao không nên cưới trong tháng 7 Âm lịch”. Chốt lại, chị Linh khuyên đồng nghiệp nên dời ngày cưới sang tháng sau bởi chị cho rằng đó là tháng Tết Trung thu, sẽ gặp nhiều may mắn nếu kết hôn.
Nhiều cặp đôi trẻ hiện nay vẫn bối rối khi được khuyên không nên cưới trong tháng cô hồn |
Giống như chị Nhật Linh, nhiều người Việt Nam cho rằng các cặp đôi không nên tổ chức đám cưới trong thời điểm tháng “cô hồn”. Theo lý giải, họ cho rằng thời điểm này là lúc các linh hồn dạo chơi ở trần gian, nếu tổ chức đám cưới sẽ gặp nhiều điều xui xẻo do các linh hồn tò mò tìm đến xem và đeo bám “vận xui” lên người tân lang và tân nương.
Tuy nhiên, đối với quan niệm xưa theo tín ngưỡng Phật giáo, tháng 7 Âm lịch là một thời điểm rất ý nghĩa trong năm. Tết Vu Lan là dịp mỗi người con bày tỏ lòng biết ơn và báo hiếu đến cha mẹ. Việc tổ chức đám cưới trong tháng 7 Âm lịch hoàn toàn không gặp vấn đề trở ngại và thậm chí còn khiến sự kiện này trở nên đặc biệt hơn nếu cô dâu, chú rể dành sự tri ân đến bố mẹ hai bên.
Ngoài ra, trong tháng 7 Âm lịch, do nhiều người “ngại” cưới, các nhà hàng hay trung tâm tổ chức sự kiện luôn có những ưu đãi, vị trí đặc biệt cho các cặp đôi “dám” cưới trong tháng này. Cô dâu, chú rể sẽ không còn phải đau đầu tìm địa điểm tổ chức cưới với mức giá hợp túi tiền khi có vô vàn lựa chọn trong mùa Vu Lan này.
Một "góc" danh sách những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch |
Không chỉ việc cưới hỏi, người Việt xưa còn có một danh sách khá dài những điều không nên làm trong tháng 7 Âm lịch. Trong số đó, những việc được coi trọng như xây nhà, đám hiếu hỷ, thi cử, nhậm chức,... thường được hoãn lại với lý do “chuyện đại sự không thể bắt đầu trong tháng 7 Âm”.
Anh Trần Minh Hiếu (25 tuổi– Hưng Yên) vừa tích cóp đủ một khoản tiền lớn. Vợ anh, chị Đàm Thị Trang đã bàn trước với anh về việc xây lại căn nhà đã cũ cho mẹ chồng để bà an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, khi đề xuất với bà về việc bắt đầu gọi thợ và khởi công xây dựng vào ngày 21/8 sắp tới, bà lại không đồng tình.
Đau đầu chuyện động thổ xây nhà trong tháng "xui" |
“Mẹ tôi rất vui vì hai con có lòng báo hiếu cha mẹ nhưng bà khuyên chúng tôi không nên bắt đầu động thổ thi công trong tháng 7 Âm lịch này” – anh Hiếu nói – “Đối với mẹ tôi, xây nhà là việc quan trọng, “đụng chạm” đến nhiều phần tâm linh trong cuộc sống nên không thể bất cẩn. Bà muốn hai vợ chồng dời ngày sang tháng 9 với lý do thời tiết mát mẻ, các cháu đã đi học và không có kiêng kị gì trong thời điểm đó. Tôi cũng thấy quyết định của mình có phần quá gấp gáp, có lẽ tôi sẽ nghe theo ý kiến của mẹ. Dù sao cũng là xây nhà cho bà ở nên làm gì để mẹ vui là tôi thấy hài lòng rồi”.
Những địa điểm đền, chùa,... luôn tấp nập khách thập phương chiêm bái trong dịp tháng 7 Âm lịch |
Mùa tháng 7 Âm lịch cũng là thời điểm mưa bão diễn ra khá phức tạp khiến nhiều điểm du lịch lâm vào tình trạng ế ẩm. Không chỉ do thời tiết, nhiều người Việt vẫn mang tâm lý “ngại đi xa” trong tháng cô hồn do quan niệm nếu khởi hành sẽ không thuận lợi và gặp nhiều trắc trở, nguy hiểm.
Chị Lâm Minh Hà (Hòn Gai, Tp Hạ Long) chủ một nhà hàng hải sản tại điểm du lịch biển Hạ Long cho biết, thời điểm này dù chị có giảm giá, thêm nhiều khuyến mại thì khách du lịch vẫn hết sức thưa thớt.
“Khách du lịch Việt thời điểm này rất ít” – chị Hà chia sẻ - “Có một số khách nước ngoài ghé thăm nhưng lượng khách không nhiều khiến việc kinh doanh của tôi gặp chút khó khăn. Tôi không quá lo vì điều này đã trở thành thông lệ hàng năm mỗi dịp tháng 7 Âm lịch. Ngay cả những người làm nghề biển như gia đình tôi cũng hết sức chú ý nhiều điều kiêng kỵ đặc biệt trong tháng này. Tâm linh là sự vô hình khó nói nhưng cũng không thể phủ nhận nó không tồn tại. Các cụ vẫn luôn nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà”.
Tháng 7 Âm lịch đang “bị oan”?
Vào thời điểm này trong năm, mỗi khi gặp chuyện xui xẻo, câu cửa miệng mà nhiều Gen Z luôn thốt lên đó là “Tất cả là tại tháng cô hồn!”. Các bạn trẻ cho rằng những điều không may, kém vui trong tháng 7 Âm lịch là do những khí xấu, linh hồn,... phá rối như lời dạy của các bậc phụ huynh.
Các bạn trẻ dâng hoa đăng tri ân đến tổ tiên trong lễ cầu siêu Tết Vu Lan |
Nhưng đây là một quan điểm có phần “chụp mũ” và sai lệch về ý nghĩa thực sự của tháng 7 Âm lịch hàng năm. Theo giáo lý nhà Phật, tháng 7 Âm lịch mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc về lòng từ bi, truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” và tôn vinh tình cảm, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Đây là thời gian để người người tưởng nhớ đến những vị tiền bối đã khuất, bày tỏ sự tri ân và đồng thời là học cách chia sẻ, thương xót đến những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa.
Một mâm cúng "thí thực chúng sinh" trong tháng cô hồn |
Đây cũng là thời điểm để mỗi người trên dương thế kiểm điểm lại cuộc sống và đạo đức của bản thân, biết sám hối và thực hiện những hành động thiện lành để tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nhiều bạn trẻ cho biết, bản thân cảm thấy luôn “đứng ngồi không yên”, “đầu óc rối loạn” mỗi dịp tháng cô hồn. Theo lý giải của các nhà khoa học, tháng 7 Âm lịch là thời điểm trái đất nằm xa mặt trời nhất nên những dòng khí luân chuyển trên địa cầu sẽ có sự thay đổi nhất định khiến nhiều người nhạy bén cảm thấy mệt mỏi, áp lực vô hình mà không rõ nguyên do.
Đứng ở tâm vòng xoáy hỗn loạn, con người ta dễ nhìn nhận được sự xô bồ, cuồn cuộn mà cuộc đời đang vần xoay. Từ đó, họ nhìn nhận được cách sống chậm lại, biết suy ngẫm và tôn trọng các giá trị văn hóa, truyền thống và tìm lại hướng đi cân bằng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, những điều kiêng kỵ mà thế hệ ông, cha truyền lại đều răn dạy con cháu học cách trân trọng cuộc sống, sống một đời có ý nghĩa và luôn cẩn trọng trọng từng hành động với thái độ sống ngay thẳng, thiện lương.
Tháng 7 Âm lịch là dịp để con người ta hiểu thêm về đạo hiếu hạnh ngàn đời |
Qua những nghi lễ và quan niệm về báo hiếu, xá tội vong nhân, các bạn trẻ ngày nay sẽ học được những bài học về tinh thần nhân văn, đạo hiếu hạnh ngàn đời của đất nước, qua đó, biết giữ gìn và tôn vinh những giá trị quý báu của văn hóa truyền thống.