Người trẻ chần chừ sinh con vì lương thấp, chưa mua được nhà
Thu nhập cao, nhiều người trẻ vẫn không hạnh phúc |
Nhiều áp lực và nỗi lo
Kết thúc ca làm việc liên tục kéo dài từ 8h sáng đến 17h giờ chiều tại công ty khiến Trần Ngọc Diễm Ly (30 tuổi, sống tại quận Đống Đa) mệt rã rời. Trở về phòng trọ, cô gái quê Thái Bình bắt đầu ăn tối, vệ sinh cá nhân rồi tiếp tục ngồi vào bàn làm việc đến 23h mới đi ngủ.
Cuộc sống, công việc của Diễm Ly cứ lặp đi lặp lại như vậy mỗi ngày. Hôm nào xong việc sớm, Diễm Ly mới dành chút thời gian ít ỏi để tập yoga, thiền hoặc đi lòng vòng ngắm đường phố.
Nữ nhân viên sinh năm 1994 cho biết, do đặc thù công việc làm trong ngành logistics nên mỗi khi có đơn hàng, cô thường phải tăng ca để kịp tiến độ. Mặt khác, vì mong muốn phát triển hơn trong sự nghiệp và ổn định tài chính nên Diễm Ly chưa nghĩ đến việc lập gia đình và sinh con.
"Mỗi lần về quê, gia đình hay thúc hay giục mình kết hôn và có con vì lo sợ lớn tuổi sẽ khó đẻ, nếu không đẻ thì về già không ai chăm sóc. Tuy nhiên, vì chưa thật sự đủ khả năng lo cho con, mình quyết định không yêu, kết hôn và sinh con thời điểm hiện tại vì không muốn con phải khổ", Diễm Ly chia sẻ.
Bạn thân của Diễm Ly là Thu Hằng (29 tuổi, nhân viên văn phòng) và bạn trai đã yêu được hơn 5 năm nhưng vẫn phân vân việc tiến đến hôn nhân. Lương hiện tại của Thu Hằng dừng ở mức 12 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu cho cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, cả cô và bạn trai đều chưa mua được nhà, chưa kể khoản phí "khổng lồ" khi kết hôn, mang thai, sinh con và nuôi con.
Áp lực từ công việc, gánh nặng kinh tế hay mức sống đắt đỏ nơi thành thị đang khiến nhiều người trẻ hiện đại không vội sinh con |
Tương tự, Nguyễn Ngọc Thành, 29 tuổi (quê Nghệ An) đã sống ở Hà Nội được hơn 10 năm, nhưng đối với anh, việc thích nghi được với chi phí đắt đỏ của nơi thành thị này chưa bao giờ dễ dàng.
"Mất 7 năm làm việc quên ăn quên ngủ mới tạm có chỗ đứng và mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Trong độ tuổi "chín" của sự nghiệp, mình không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, phát triển nghề nghiệp", Thành chia sẻ.
Nếu kết hôn, Thành mong muốn tìm được người bạn đời có mức thu nhập bằng hoặc chênh lệch không quá lớn với anh, khi đó mới dám nghĩ đến chuyện có con. Anh tính toán chi phí để chuẩn bị trước, trong và sau khi sinh con sẽ rơi vào khoảng 200 triệu đồng, chưa tính có vấn đề phát sinh.
"Những cạm bẫy, rủi ro có thể xảy ra với trẻ như tai nạn, bắt cóc, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng tình dục, hư hỏng, nghiện ngập... khiến mình chưa đủ tự tin đủ khả năng nuôi dạy và bảo vệ con", Ngọc Thành nói.
Diễm Ly, Thu Hằng và Ngọc Thành chỉ là một trong số nhiều người trẻ đang thực sự ngại kết hôn và sinh con. Họ cũng đặc biệt chú ý đến tính ổn định và an toàn cho mối quan hệ lâu dài như hôn nhân. Nhiều bạn đồng tình với quan điểm cho rằng cần có sự nghiệp hay nhà cửa trước khi kết hôn vì những điều đó mang đến cảm giác chắc chắn và an toàn, là nền tảng để có hôn nhân hạnh phúc cũng như giúp cuộc sống ổn định trước khi đi đến quyết định sinh con.
Mải mê theo đuổi hoài bão
Theo một khảo sát đầu tháng 7/2024 của Google tại Việt Nam với 3.000 người tham gia là học sinh, sinh viên, người mới đi làm, 68% trong số họ dự định sẽ kết hôn và sinh con sau độ tuổi 30. Đặc biệt, có tới hơn một nửa trong số 68% thuộc tầng lớp trí thức của xã hội, thậm chí có nhiều người mức thu nhập cao.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm Trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare), có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh ít hoặc lựa chọn không sinh con. Trong đó, việc người trẻ hiện nay có nhiều ước mơ, có nhu cầu học tập và phấn đấu cho tương lai, sự nghiệp dẫn tới họ không có thời gian để nghĩ đến việc kết hôn và xu hướng này đang gia tăng.
Bên cạnh đó, người trẻ ở các thành phố lớn thấy việc kết hôn và sinh con quá áp lực, phải có nhà, có tiền. Xu hướng của người trẻ là muốn ít con, dành những gì tốt nhất cho con khi bối cảnh xã hội hiện nay cực kỳ khó khăn cho việc mang bầu, sinh con, nuôi con, sau này cho con đi học.
Việc người trẻ hiện nay có nhiều ước mơ, có nhu cầu học tập và phấn đấu cho tương lai, sự nghiệp dẫn tới họ không có thời gian để nghĩ đến việc kết hôn và xu hướng này đang gia tăng |
Đặc biệt những người trẻ có trình độ học vấn cao, có vị trí xã hội, thu nhập cao thì họ lại muốn con học những nơi tốt nhất mà những nơi đó chi phí không hề ít. Do đó, họ trì hoãn việc sinh con hoặc sinh rất ít con.
Ngoài những vấn đề trên, trong xã hội hiện nay xuất hiện một bộ phận không nhỏ và có xu hướng tăng lên là nhóm người trẻ muốn hưởng thụ cuộc sống tự do, không nghĩ nhiều đến trách nhiệm xã hội miễn sao mình hạnh phúc là được. Nhóm người trẻ này thường đưa ra lý do "sợ nuôi dạy con không tốt nên không sinh".
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng, khi lựa chọn có con hay không, điều quan trọng cần biết là mong muốn và quyết định của mình là gì.
"Làm cha mẹ không phải là một điều hiển nhiên cũng không phải là một cuộc tranh luận. Không có sự lựa chọn đúng đắn duy nhất. Chỉ bạn mới có thể biết điều gì phù hợp với mình vì bạn chính là người dẫn dắt cuộc đời mình chứ không phải bất kỳ ai.
Chìa khóa để làm cha mẹ là không đánh mất chính mình. Bởi vì bất chấp mọi thay đổi, vẫn luôn tồn tại 1 thực tế là bạn luôn có thể tận hưởng những điều bạn yêu thích trước khi có con bằng cách tìm được điểm cân bằng giữa con cái và cuộc sống”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.