Người H'Mông giữ gìn và phát huy nghề dệt lanh truyền thống
Biểu tượng cho cội nguồn văn hóa
Người H'Mông có câu: “Hạt lanh có trước, con người có sau”. Với họ, cây lanh không chỉ là nguyên liệu dệt vải mà còn là biểu tượng cho sự sống, cho cội nguồn văn hóa và niềm tin vào tương lai. Trồng lanh, dệt vải đã trở thành nét đặc trưng trong đời sống người H'Mông, đặc biệt là trên những vùng cao nguyên đá khắc nghiệt của Hà Giang.
Hành trình dệt nên một tấm vải lanh là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo, với hơn 40 công đoạn tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc trồng lanh vào mùa xuân, cây lanh lớn lên trên những thửa ruộng bậc thang. Khi mùa hè đến, cả gia đình cùng nhau thu hoạch: Thanh niên chặt cây, trẻ nhỏ thu gom, người già bó thành từng bó lớn. Những cây lanh sau đó được phơi qua nắng và sương để đạt độ dẻo dai cần thiết trước khi bước vào giai đoạn xử lý sợi.
Guồng quay sợi lanh khá lớn. Thiết kế này giúp làm mềm cây lanh khi mới thu hoạch và dần dần kéo giãn thớ sợi, trở nên mềm mại hơn. |
Sợi lanh thô |
Tước sợi và nối sợi là hai công đoạn kỳ công nhất trong quy trình. Người H'Mông thường tranh thủ làm ở mọi nơi: Khi đi làm nương, lúc ngồi chợ, hay cả những buổi tối quây quần bên bếp lửa. Sợi lanh được nối theo nguyên tắc "đầu gốc nối đầu gốc, đầu ngọn nối đầu ngọn", để khi dệt, các thớ sợi đều nhau, tạo nên tấm vải mềm mịn, bền chắc.
Chị Sùng Thị Mai làm công việc tước, sắp xếp sợi lanh sau khi hoàn thành se sợi trên khung. |
Chị Sùng Thị Mai, thợ dệt lanh lâu năm chia sẻ: "Dệt lanh là công việc đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm. Người H'Mông sử dụng khung cửi gỗ đơn giản nhưng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Sau khi dệt xong, vải lanh được nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên như lá chàm, củ nâu, hay lá cẩm. Hoa văn được vẽ bằng sáp ong nung chảy, tạo nên những họa tiết độc đáo và sinh động, mang đậm dấu ấn văn hóa".
Những tấm vải lanh sau khi hoàn thành không chỉ là sản phẩm của sự lao động miệt mài mà còn là lời nhắn gửi của người dệt vải đến người sử dụng: hãy trân trọng sự bền bỉ, kiên trì và tình yêu dành cho nghề truyền thống.
Nghề truyền thống trên hành trình hội nhập
Trong dòng chảy của thời gian, nghề dệt lanh đã vượt qua nhiều thăng trầm để tồn tại. Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa văn hóa, nghề dệt lanh còn mở ra những cơ hội mới, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa dân tộc H'Mông và bạn bè quốc tế.
Các làng nghề như Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về nghệ thuật dệt lanh. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quá trình dệt vải mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm như tước sợi, nhuộm màu hay vẽ hoa văn. Sự tương tác này giúp du khách hiểu hơn về văn hóa H'Mông và thêm trân trọng những giá trị truyền thống.
Bà Chí - thợ dệt lành nghề người H'mong cặm cụi bên khung cửi dệt lanh |
Những sợi lanh cần được căn chỉnh, cắt tỉa cẩn thận để hoàn thiện sản phẩm |
Những sản phẩm từ vải lanh cũng ngày càng đa dạng. Từ trang phục truyền thống, người H'Mông đã sáng tạo ra túi xách, khăn quàng, tranh treo tường, và các món đồ lưu niệm nhỏ xinh. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mang lại giá trị thương mại, giúp cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, vải lanh tự nhiên được đánh giá cao nhờ đặc tính thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe, khả năng hút ẩm cao và khó bị nấm mốc.
Những cuộn lanh thô chờ được dệt |
Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cũng đang nỗ lực hỗ trợ nghề dệt lanh thông qua các chương trình quảng bá, kết nối thị trường và tổ chức các hội chợ làng nghề. Những sáng kiến này không chỉ giúp gìn giữ di sản văn hóa mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông.
Nét đẹp giản đơn, bền bỉ
Giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, nghề dệt lanh vẫn giữ được vẻ đẹp giản đơn nhưng đầy sức hút. Mỗi tấm vải lanh không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là câu chuyện về sự kiên trì, sáng tạo và tình yêu với quê hương. Những bàn tay người phụ nữ H'Mông đã biến những sợi lanh thô sơ thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, phản ánh nét đẹp văn hóa của cả một cộng đồng.
Sản phẩm vải lanh nhuộm vẽ sáp ong thủ công được nhiều bạn trẻ yêu thích |
Một chiếc chân váy truyền thống của phụ nữ H'mong |
Đối với người H'Mông, dệt lanh không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là cách để họ giữ gìn bản sắc, thể hiện tình yêu và sự gắn bó với cội nguồn. Đối với du khách, mỗi sản phẩm từ vải lanh là một món quà đặc biệt, mang theo hơi thở của núi rừng Hà Giang, của những câu chuyện giản dị mà sâu sắc.
Nghề dệt lanh, dù cầu kỳ trong từng công đoạn, vẫn mang trong mình sự mộc mạc và chân thành. Đó là sự giản đơn của những con người sống chan hòa với thiên nhiên, của tình yêu dành cho truyền thống, và của khát vọng gìn giữ những giá trị đẹp đẽ để truyền lại cho mai sau. Trong từng sợi lanh, từng tấm vải, ta thấy không chỉ là bàn tay khéo léo mà còn là trái tim ấm áp của người H'Mông – những con người luôn biết cách biến sự giản đơn thành điều phi thường.