Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tại Hà Nội, nhiều chương trình nghệ thuật được các nghệ sĩ tổ chức để dành toàn bộ kinh phí bán vé cho đồng bào vùng lũ; các trường học cũng dừng tổ chức Trung thu, dành tiền chia sẻ với các học sinh bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tri ân làm nên nét văn hóa vì hòa bình của người Hà Nội Phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong xây dựng văn hóa người Hà Nội Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Các nghệ sỹ Hà Nội cùng chung sức

Một trong các hoạt động nổi bật là chương trình nghệ thuật mang tên Dạ tiệc đêm rằm sẽ diễn ra vào 20h các ngày 16 và 17/9/2024 tại Nhà hát Tuổi trẻ - số 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Doanh thu từ hoạt động bán vé và số tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm trong các đêm diễn sẽ được gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Chương trình nhằm hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chủ trương của Bộ VHTTDL, thể hiện đạo lý tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc, cùng Nhân dân cả nước chia sẻ những mất mát với bà con vùng bão, lũ.

Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
NSND Xuân Bắc cùng các nghệ sỹ chung sức tổ chức chương trình để dành kinh phí ủng hộ đồng bào vùng lũ

Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có mặt ở phần đầu chương trình để kêu gọi khán giả cùng quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ. Cùng với số tiền quyên góp và tiền trích từ bán vé biểu diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ mong muốn đóng góp vào các hoạt động của Bộ VHTTDL nhằm góp một phần nhỏ xoa dịu đi những nỗi đau, mất mát thiệt hại của người dân, các gia đình và các em nhỏ ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.

Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cùng nhiều nghệ sĩ chung tay tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trung thu không xa cách” vào ngày 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, “Trung thu không xa cách” được tổ chức theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ.

Toàn bộ các tiết mục được các nghệ sĩ biểu diễn miễn phí. Số tiền bán vé, tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm sẽ được gửi đến những người dân vùng bão, lũ thông qua các tổ chức uy tín.

Dù được xây dựng rất gấp rút nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tham gia của không chỉ các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, mà còn của nhiều nghệ sĩ khác như Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, ca sĩ Hà Myo, Câu lạc bộ Sao Tuổi thơ…

“Chúng tôi sẽ cố gắng biểu diễn một đêm thật cảm xúc, nhưng không phải một chương trình nặng nề về mất mát đau thương, mà giúp khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi được hoà vào trong không khí đón Tết Trung thu ở khắp mọi miền đất nước”, NSND Xuân Bắc chia sẻ.

Thầy trò Thủ đô chia sẻ với học sinh vùng lũ

Chỉ trong một tuần, bão Yagi và hậu quả của hoàn lưu bão đã gây thiệt nghiêm trọng về người và tài sản tại 26 tỉnh thành miền Bắc. Nhiều trường học ở Hà Nội đã quyên góp, ủng hộ người dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Sáng 16/9, trường THCS Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tổ chức chuyên đề “Biết ơn – Sẻ chia” cho giáo viên, học sinh trong tiết chào cờ. Đồng, thời, nhà trường cũng vận động các cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh tham gia đóng góp vở, đồ dùng học tập, cặp sách…

Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Thư kêu gọi vận động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ của Hiệu trưởng trường THCS Yên Thường gửi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Yên Thường cho biết, với tinh thần “tương thân tương ái”, chia sẻ khó khăn trong hoạn nạn, nhà trường đã thống nhất dừng việc tổ chức “Vui hội Trăng rằm; thay vào đó, thực hiện chuyên đề “Biết ơn – Sẻ chia” và vận động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh. Hoạt động này nhằm giáo dục cho các em về truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, cũng như góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát của các em học sinh vùng bị thiệt hại, giúp các em có thêm động lực để tiếp tục học tập, vượt qua khó khăn.

Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Các em học sinh trường THCS Yên Thường ủng hộ đồng bào vùng lũ trong sáng 16/9

Em Nguyễn Phương Vy, học sinh lớp 7A trường THCS Yên Thường chia sẻ: “Em theo dõi qua tivi, thấy các bạn học sinh bị lũ cuốn hết sách vở. Trường học bị lấp đầy bùn đất. Thực sự, em thấy các bạn rất đáng thương. Trung thu này, các bạn sẽ không được trọn vẹn. Em và các bạn có dành một chút tiền ăn sáng để ủng hộ các bạn, để động viên các bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Không đứng ngoài cuộc, tại huyện Đan Phượng, Trường Tiểu học Song Phượng và Trường Tiểu học Đồng Tháp cũng đã dành toàn bộ số tiền tổ chức Trung thu cho các con để ủng hộ Nhân dân vùng bão lũ. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh trường của 2 trường đã cùng nhau quyên góp được hơn 32 triệu đồng để ủng hộ người dân.

Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Các em ủng hộ quần sáo, sách vở, đồ dùng học tập cho các bạn vùng cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Bà Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Phượng cho biết: "Đối với hoạt động tổ chức tết Trung thu cho học sinh, nhà trường sẽ dừng tổ chức. Toàn bộ kinh phí dành cho hoạt động này sẽ được chuyển sang ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hơn lúc nào hết lúc này, thầy cô giáo và các em học sinh hiểu chung tay hỗ trợ đồng bào".

Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Ban Giám hiệu trường THCS Yên Thường cùng các giáo viên ủng hộ lời kêu gọi vận động
Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Hoạt động này nhằm thể hiện rõ sự đồng cảm, sẻ chia với đồng bào trong hoạn nạn, khó khăn
Người Hà Nội phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Các phụ huynh tham gia ủng hộ
Thái Sơn
Phiên bản di động