Phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong xây dựng văn hóa người Hà Nội
Nâng cao hình ảnh, uy tín của phụ nữ Việt Nam tại Hungary Người phụ nữ mất 24 tỷ đồng vì đầu tư "sàn vàng online" |
Sự kiện nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu các chỉ thị và kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong nỗ lực tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Thủ đô và người Hà Nội nói chung.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; Lê Quỳnh Trang - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô... cùng các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Đồng chí Lê Quỳnh Trang - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Quỳnh Trang - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ.
Trước những yêu cầu của thời kỳ mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Cùng đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU năm 2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo đó, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực và động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Nhiều vấn đề về quyền phụ nữ và vị thế của người phụ nữ được bàn luận trong buổi tọa đàm |
Điển hình là Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” được Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội phát động vào tháng 2/2018 và tại Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” là một trong hai cuộc vận động được đưa vào Nghị quyết Đại hội thực hiện trong nhiệm kỳ.
Các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các nội dung của cuộc vận động đến các đối tượng phụ nữ thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gắn với việc tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, với 4 tiêu chí: Có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Đồng chí Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước.
Đồng chí Phạm Thanh Học cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”; nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động, như “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”.
Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội |
Cũng phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội - đánh giá cao các cuộc vận động, sự kiện tuyên truyền,... được Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.
Đồng chí Kiều Thanh Hùng nhấn mạnh, trong tình hình chính trị, kinh tế xã hội quốc tế và trong nước có nhiều biến động khó lường, hơn lúc nào hết những người làm báo Thủ đô cần không ngừng tôi rèn bản lĩnh cách mạng, đề cao quan điểm lập trường và tinh thần xung kích của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng mà Đảng và Nhân dân giao cho.
Cùng đó là thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đề ra, xây dựng nền báo chí Việt Nam: Hiện đại - Chuyên nghiệp - Nhân văn. Để đạt tới ba tiêu chí này không thể không xây dựng môi trường văn hóa báo chí và người làm báo văn hóa.
"Phải coi đây là vấn đề sống còn, là yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với tất cả các cơ quan báo chí của Thủ đô và cả nước", đồng chí Kiều Thanh Hùng nhấn mạnh.
Theo đồng chí Kiều Thanh Hùng, đời sống báo chí càng sôi động, thông tin càng bùng nổ, công nghệ truyền thông càng phát triển nhanh chóng, càng đòi hỏi mỗi người làm báo, từng cơ quan báo chí đề cao giá trị của văn hóa, bởi văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, một khi văn hóa trở thành bệ đỡ cho báo chí, chắc chắn báo chí sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Cũng tại buổi tọa đàm, các ý kiến tham luânh đã nêu bật các hoạt động và thành tựu của cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” được triển khai từ năm 2022. Cuộc vận động hướng tới 5 nội dung chính: Thanh lịch, văn minh trong nói năng và giao tiếp; thực hiện văn hóa ứng xử trong gia đình; thực hiện văn hóa ứng xử tại nơi làm việc; ứng xử văn minh nơi công cộng và trên mạng xã hội. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và môi trường sống tại Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại tọa đàm. |
Ngoài ra, các tham luận cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong việc đưa các chủ trương, chỉ thị của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, qua đó thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Sự góp mặt của báo chí không chỉ là nhịp cầu thông tin mà còn là lực lượng xung kích trong việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phù hợp với tầm vóc và di sản văn hóa của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tọa đàm kết thúc với cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia trong việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, góp phần vào công cuộc phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, đặc biệt là trong việc nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại.