Ngưng các quy định cấm cho vay bất động sản: Mừng nhưng cũng còn lo!
Mục đích là kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống
Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023, bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sau khi Thông tư 06/2023 được ban hành, nhiều ý kiến của chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng một số quy định không hợp lý, ví như việc góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc rót vào những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Mặt khác, đối với doanh nghiệp bất động sản quy định dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mới được vay vốn là một thách thức đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản khi quy trình pháp lý còn nhiều nút thắt.
Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định, việc ban hành Thông tư 06/2023 không gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản mà nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế, nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023 xuất phát từ tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng những tháng qua tăng nhanh, chất lượng tài sản bảo đảm suy giảm.
Trong đó, phần lớn tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản nên khi thị trường gặp khó, giá bất động sản giảm theo. Ngân hàng Nhà nước muốn tăng cường kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, đặc biệt các doanh nghiệp sở hữu các dự án đang vướng mắc về pháp lý, doanh nghiệp thiếu minh bạch thông tin, tài chính gặp khó khăn...
Ngân hàng Nhà nước đã ngưng một số quy định cấm cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, sau khi tham khảo, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhằm hỗ trợ cộng động doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước họp ngay để rà soát, xem xét sửa đổi Thông tư 06/2023.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước để rà soát thông tư này. Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, Thông tư 06/2023 có nhiều nội dung được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng còn những nội dung các doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến.
Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế,… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.
Kết quả, ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023).
Mừng cho doanh nghiệp, nhưng đẩy cái lo cho ngân hàng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023 cho thấy cam kết của Chính phủ là đồng hành với doanh nghiệp trong bất cứ bối cảnh nào.
Ngay sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, đây là tin mừng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng thuộc các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn.
Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc cung ứng vốn để góp phần vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định an sinh xã hội.
Ngân hàng có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn còn đó nỗi lo nợ xấu. |
"Chúng tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp", ông Châu chia sẻ.
Nhận định về tác động của việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10/2023, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.
Đồng thời, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý. Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới. Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều có thể hưởng lợi từ thông tư này.
Đối với ngành ngân hàng, chuyên gia của ACBS cho rằng, các điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây. Tuy vậy, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings cho rằng, việc ban hành Thông tư 10/2023 cho thấy nỗ lực vì cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Phúc, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rơi vào hoàn cảnh ảm đạm và đói vốn tín dụng để tiếp tục đầu tư, triển khai dự án như hiện nay, việc ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 nói trên là một thông tin rất tích cực đối với doanh nghiệp và khách hàng có nhu cầu vay vốn nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nói riêng.
Ở chiều ngược lại, dù đánh giá đây là tin mừng cho các doanh nghiệp, ngân hàng nhưng một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu có thể sẽ tăng lên.
"Việc Ngân hàng Nhà nước ngưng một số quy định cấm cho vay rõ ràng là tin mừng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác cũng có giúp các ngân hàng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tín dụng đang tăng thấp trong thời gian qua. Tuy nhiên, rủi ro là nợ xấu lại có thể tăng lên, bởi thị trường bất động sản thực chất vẫn đang đóng băng, các vướng mắc khó khăn chưa được giải quyết triệt để", một vị chuyên gia bày tỏ.
Theo vị này, như vậy rõ ràng, việc cởi bỏ áp lực cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng nhưng cũng phần nào tạo áp lực giải quyết nợ xấu cho ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.