Nghề livestream hút giới trẻ Trung Quốc

Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người bán hàng bằng cách phát video trực tiếp (livestream) từ đầu năm đến nay, chị Zhang Jinyu (28 tuổi), cựu người mẫu và blogger, thạc sĩ về quản lý thời trang, đã đạt hàng trăm giờ phát sóng khi hợp tác với các thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Thừa than, nhiều công ty Trung Quốc bán hàng qua livestream Toàn cảnh về vụ tay súng livestream bắn chết nhiều người ở ngân hàng Mỹ Cạn nguồn hàng, nhiều môi giới bất động sản chuyển nghề đi livestream dạo

Hơn 60% thanh niên muốn trở thành người dẫn livestream

Thời gian biểu một ngày của chị Zhang thường là hơn sáu giờ nói chuyện gần như không ngừng trước máy quay, cùng với đó là làm tóc, trang điểm và trả lời các thắc mắc của khách hàng sau khi livestream.

Bất chấp lịch trình làm việc dày đặc, chị Zhang đang cố gắng tạo ra những câu chuyện thành công về bán hàng khi phát trực tiếp trên các nền tảng như Tmall và Taobao của Alibaba và Douyin của Bytedance - giống như TikTok tại Trung Quốc trong bối cảnh hàng triệu thanh niên tại quốc gia này phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, ở mức hơn 21%.

Nghề livestream hút giới trẻ Trung Quốc
Ngành công nghiệp livestream 480 tỷ USD ở Trung Quốc (Ảnh: CNN)

Cựu người mẫu Zhang chia sẻ: “Dù tôi có thể nhấc điện thoại lên và phát trực tiếp một cách dễ dàng. Tuy nhiên thế nào để nổi bật mới khó. Ngành này có tính cạnh tranh cao nhưng nếu bạn cố gắng kiên trì, bạn có thể ngày càng tốt hơn. Còn nổi bật hay không chỉ là vấn đề về trí tuệ và năng lực”.

Chị Zhang không phải là người duy nhất quyết tâm biến nghề bán hàng phát trực tiếp thành sự nghiệp của mình.

Một cuộc khảo sát được thực hiện trên 10.000 thanh niên trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo vào tháng trước cho thấy ít nhất 60% người được hỏi cho biết họ muốn trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc người dẫn chương trình livestream.

Các số liệu chính thức cho thấy chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 10,32 triệu tài khoản mới được tạo trên các nền tảng phát trực tiếp và video ngắn tại Trung Quốc. Số lượng người xin vào làm việc tại các công ty livestream lớn của Trung Quốc và các nền tảng video ngắn đã vượt quá 500.000 trong cùng một thời điểm.

Nghề livestream hút giới trẻ Trung Quốc
Các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp giờ đây đều có thể bán hàng trực tiếp trên mạng (Ảnh: Reuters)

Sự bùng nổ doanh số bán hàng livestream trong thời kỳ đại dịch đã giúp ngành này tạo ra doanh thu 480 tỷ USD ở Trung Quốc vào năm ngoái.

Những người bán hàng livestream rao bán mọi thứ, từ đồ trang điểm đến lò vi sóng, bằng một giọng nói tràn đầy năng lượng và lối tương tác hấp dẫn. Họ kể chuyện cười và trải nghiệm của bản thân để thu hút sự chú ý, đồng thời hứa hẹn về những giá hời chỉ có duy nhất trên livestream ngày hôm đó.

Đối với người xem, sự hấp dẫn không chỉ đến từ sự tiện lợi mà còn là cảm giác được phục vụ. Họ có thể yêu cầu các người bán thử quần áo hay thử sản phẩm lên da để kiểm chứng chất lượng.

Shi Jianing - nữ streamer 28 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi giống như những người bạn của người tiêu dùng. Điều này giúp chung tôi gây dựng được niềm tin”.

Ai cũng có thể livestream

Trên thực tế, các nhà hàng, thẩm mỹ viện, thậm chí đại lý ô tô và các đại lý bất động sản đều đang thu hút được khách hàng thông qua livestream. Nhiều thương hiệu toàn cầu cũng sẵn sàng trả tiền cho các KOLs (người ảnh hưởng) Trung Quốc để truyền phát trực tiếp sản phẩm. Đặc biệt ở chỗ, ngành kinh doanh này không kén người tham gia từ nông dân, công nhân nhà máy hay người đã về hưu đều có thể trở người bán hàng.

Các nhà phân tích nhận định điều này cho thấy tâm lý cởi mở và xu hướng đa dạng hóa của giới trẻ so với thế hệ trước trong tìm việc làm. Điều này thể hiện giới trẻ Trung Quốc đang bước ra khỏi suy nghĩ truyền thống rằng cử nhân tốt nghiệp đại học phải tìm được việc trong cơ quan nhà nước hoặc công việc sáng giá ở những tòa tháp chọc trời.

Cô Chen Lixia, cố vấn cấp cao về phát triển tài năng, lập luận rằng sự góp mặt của nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học hơn cũng sẽ cải thiện chất lượng tổng thể của người lao động trong ngành.

Nghề livestream hút giới trẻ Trung Quốc
Một phiên livestream tại Trung Quốc (Ảnh: VCG)

Đơn cử như trường hợp của Dong Yuhui, một giáo viên và người dẫn livestream. Dong Yuhui đã trở thành nhân vật nổi tiếng trên nền tảng video ngắn Douyin vào tháng 6/2022 khi giới thiệu sản phẩm bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh.

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc nói rằng họ không bao giờ nghĩ có thể học tiếng Anh trong khi mua sắm trực tuyến. Người dẫn chương trình song ngữ này thu hút được hơn 1,3 triệu người hâm mộ chỉ sau ba ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên giới trẻ thận trọng bởi việc trở thành người có ảnh hưởng trên internet không dễ dàng hoặc có lợi như một số thanh niên nghĩ.

Ngành này hiện đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ hỗn loạn sang quản lý theo quy định. Các nhà phân tích cho biết giới trẻ cần suy nghĩ hợp lý và lập kế hoạch dài hạn trước khi bước vào ngành ở thời điểm này và họ cũng cần nâng cao nhiều năng lực khác nhau để phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trên thực tế, không dễ để bất kỳ người có ảnh hưởng nào cũng thành công. Báo cáo của Hiệp hội Biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc, vào năm 2022 chỉ ra 96,2% người có nguồn thu nhập chính từ dẫn livestream kiếm được gần 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Trong khi đó, chỉ có 0,4% người dẫn livestream ở Trung Quốc có thể kiếm được hơn 100.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Do đó, thanh niên nên được khuyến khích tìm kiếm nhiều cơ hội và công việc phù hợp với sở thích, chuyên ngành hoặc kế hoạch nghề nghiệp của họ.

Tụê Uyên
Phiên bản di động