Ngân sách phải “thắt lưng buộc bụng” trong vài năm tới

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vài năm tới, chi tiêu ngân sách sẽ phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” để tập trung cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển, giữ ổn định vĩ mô.
Ngân sách Nhà nước chi vượt thu hơn 130 nghìn tỷ đồng Không để sao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu chi ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong phiên họp tổ của Quốc hội ngày 2/11, theo thông tin từ Bộ Tài chính.

Theo ông Dũng báo cáo, về tình hình thực hiện dự toán năm 2020 được xây dựng trên nền khá cao, với kế hoạch tăng trưởng lên tới 6,8%, giá dầu dự toán 60 USD/thùng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 7 – 9%. Do đó, dự toán thu nội địa tăng 10%, trên con số thực hiện cũng tăng 9,9% của năm 2019.

Trong điều kiện dự toán cao, khi dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, chúng ta đã lập tức có các chính sách phản ứng khá kịp thời.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách gia hạn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay, chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô…

Ngân sách phải “thắt lưng buộc bụng” trong vài năm tới
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp tổ sáng 2/11. Ảnh: Bộ Tài chính

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng năm 2020, kết quả thực hiện các chính sách này đã đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thuê đất của 128.619 doanh nghiệp, trong đó có 56.280 hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn với số tiền là 66.700 tỷ đồng, gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước đạt 10.000 tỷ đồng. Miễn giảm các loại thuế phí khoảng 23.000 tỷ đồng, ước cả năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, trong khi thực hiện các chính sách như vậy, nhiều khoản chi lại tăng lên. Trước tiên là đảm bảo vốn đầu tư 470 nghìn tỷ đồng theo dự toán, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu trong nước, làm nền tảng cho các kỳ tiếp theo.

''Cùng với số vốn năm trước chuyển sang, tổng số vốn đầu tư năm nay khoảng 630.000 tỷ đồng, là gói đầu tư hàng năm lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, 10 tháng qua chúng ta đã chi khoảng 17.800 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân'', ông Dũng cho biết.

Trước tình hình này, từ kỳ họp trước Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về việc triệt để tiết kiệm, cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác, cùng với 10% tiết kiệm chi thường xuyên. Đến nay, tổng số tiết kiệm chi thường xuyên đạt khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng chỉ riêng ở Trung ương.

''Ngoài ra, với tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung vừa qua, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ mới từ ngân sách Trung ương để giúp đồng bào sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất'', Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Trong bối cảnh đó, ước tính mức thu năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất tăng bội chi, tăng chi cho phòng chống dịch, nhưng trong phạm vi phải đảm bảo ổn định vĩ mô cho các năm tiếp theo, một yếu tố vô cùng quan trọng.

Cụ thể, nếu thu đủ được từ cổ phần hoá thì mức bội chi năm nay tăng lên khoảng 4,99% GDP chưa điều chỉnh, tương đương 5,59% GDP theo cách tính mới. Nợ công tăng lên 57,4% GDP, dưới trần Quốc hội cho phép là 65%.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính, xét từ mức đỉnh của năm 2016 là 63,7% GDP thì đây cũng là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích luỹ của các năm gần đây tạo dư địa cho điều hành, trong khi chúng ta vẫn đảm bảo chi đầu tư, chi an sinh xã hội.

''Với kết quả của năm nay thì mức bội chi 5 năm bình quân đạt 3,8%, đạt mục tiêu dưới 3,9% của kế hoạch 5 năm theo kế hoạch, một kết quả rất tích cực'', Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đặc biệt, chất lượng nợ công đã ngày càng được cải thiện so với giai đoạn năm 2013 – 2015. Trong khi giai đoạn trước, thời hạn danh mục trái phiếu Chính phủ khoảng 2,9 năm, lãi suất 11 – 12%/năm, phải đảo nợ thường xuyên, thì nay với nhiều nỗ lực cơ cấu lại, thời hạn danh mục trái phiếu Chính phủ đã lên trên 8 năm.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã điều hành vay hơn 200.000 tỷ đồng để trả nợ gốc và bám sát tiến độ giải ngân, thay vì vay theo kế hoạch. Các khoản vay này có kỳ hạn vay trên 13 năm trong khi lãi suất chỉ 2,9%, là mức thấp hơn cả lãi suất vay ưu đãi và không bị tác động tỷ giá. Mức vay này cũng là điều kiện tốt để chúng ta đàm phán vay quốc tế có lợi hơn.

Theo ông Dũng, với những kết quả này, mặc dù năm 2020 chúng ta giảm thu, tăng bội chi nhưng tình hình tài chính ngân sách vẫn là điểm sáng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề nợ đọng thuế sẽ tăng vì doanh nghiệp khó khăn, bởi mặc dù chúng ta đã gia hạn thời gian nộp thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn.

Cũng tại phiên họp, ông Dũng cho biế, dự tính tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6 – 6,5% là khá cao, nhất là khi quy mô GDP năm sau tính theo cách mới cao hơn 25%. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn rất khó dự đoán, khó khăn kinh tế dự kiến còn kéo dài vài năm.

''Như vậy, vài năm tới còn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” để tập trung cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển, giữ ổn định vĩ mô. Không thể một chốc một lát mà cất cánh được ngay, dù được thế thì rất đáng mừng'', Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.

Dựa trên kinh nghiệm và tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án thận trọng và báo cáo chính thức với Thủ tướng về đề nghị tăng thu ngân sách năm tới chỉ ở mức 5 – 7%, với mức tăng GDP khoảng 6 – 6,5%.

Ông Dũng phân tích, từ kinh nghiệm thực tế những năm 2012 -2014, giai đoạn kinh tế đi lên sau khó khăn thì tăng thu nội địa chỉ bằng một nửa mức tăng GDP danh nghĩa (gồm GDP thực tế cộng với lạm phát, tức là nếu GDP tăng 6%, lạm phát 4% thì tăng GDP danh nghĩa là 10%). Điều này chắc chắn lặp lại trong thời gian tới, bởi 93 - 94% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nên phải có thời gian dài để phục hồi.

Do đó, phương án dự toán trình ra Quốc hội lần này có mức tăng thu nội địa là 5 - 6%, là phương án đã được làm việc rất kỹ với các địa phương, bộ ngành để thông qua trước khi trình.

Cũng trong dự toán 2021, mức dự toán thu khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách giảm còn 15,5% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù tỷ lệ huy động giảm so với trước, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nếu so sánh trong khu vực Asean 5 thì tỷ lệ này là tương tự.

Với dự tính kinh tế có thể còn khó khăn trong vài 3 năm tới, trong điều kiện cần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án, đề xuất đưa bội chi 2021 lên 5% GDP (chưa điều chỉnh), tương ứng 4% GDP đã điều chỉnh. Theo đó, đã có 109.000 tỷ đồng tăng thêm dành cho đầu tư. Tuy nhiên tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm khoảng 58.000 – 60.000 tỷ đồng so với năm 2020, do đó vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi thường xuyên.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện giảm tổng chi như vậy thì dự toán chi năm 2021 cho đầu tư đã tăng lên 28,3% tổng chi, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo thuận lợi sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, kích cầu trong nước của giai đoạn sau. Cùng với đó, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn tiếp tục ưu tiên. Đó là lý do chi thường xuyên sẽ càng khó khăn, trong đó có chi cho cải cách tiền lương đã phải lùi lại.

“Dự toán năm 2021 – 2025 là mức phải phấn đấu, các chỉ tiêu khó có thể khẳng định, không phải như giai đoạn 2016 – 2020 khi chúng ta nắm tình hình chắc hơn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Văn Huy
Phiên bản di động