Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 hạ các lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần thứ 4 trong năm giảm các loại lãi suất điều hành.
Doanh nghiệp tăng vay nợ từ trái phiếu: Chớ thấy lãi suất cao mà ham! Giảm loạt lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ 1/10/2020.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0% xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép lãi suất tôi đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.

Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 hạ các lãi suất điều hành
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong khi đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống còn 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn ngày giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Trước đó, tại Hội nghị Hội nghị với các địa phương về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 ngày 2/7/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, song cũng đang phục hồi.

Theo báo cáo công bố ngày 29/9 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7%-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0%-7,1%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực phổ biến ở mức 5,0%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hạ lãi suất hiện vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho nền kinh tế. Hiện, doanh nghiệp bị tác động tiêu cực vì dịch bệnh chưa tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng không hẳn do lãi suất cao mà vì họ khó đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo hay kế hoạch kinh doanh khả thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, lúc này, việc hỗ trợ thanh khoản tức thì là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn trong khi việc giảm lãi suất cần có độ trễ nhất định.

Song, các chuyên gia cũng cho rằng, hỗ trợ tín dụng là việc cần phải làm để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng hệ thống tổ chức tín dụng cũng phải duy trì được các tiêu chuẩn, điều kiện trong cấp vốn, không tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ, vì yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo an toàn vốn. “Chúng ta sẽ không thể hỗ trợ được cho nền kinh tế nếu không đảm bảo được an toàn cho hệ thống ngân hàng”, một chuyên gia chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động