Giảm loạt lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ngân hàng Nhà nước đồng loạt hạ lãi suất điều hành |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13/5/2020.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Đồng thời, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước). |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 920/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Lý giải về động thái giảm lãi suất đồng loạt, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, có hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Theo ông Hà, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo đó, tiếp theo đợt điều chỉnh lãi suất tháng 3/2020, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh lãi suất, ông Hà cho rằng, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
''Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nêu trên cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế'', ông Hà cho biết.
Ông Phạm Thanh Hà cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành cũng có tác dụng giúp giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm là lãi suất ngắn hạn nên được giảm, giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng không ảnh hưởng nhiều đến người gửi tiền tiết kiệm. "Tuy nhiên, vấn đề của doanh nghiệp bây giờ không phải là giảm lãi suất mà là tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thì lại phụ thuộc vào ngân hàng có cho vay hay không. Và chính sự thuận lợi trong tiếp cận vốn vay mới làm cho thị trường vốn doanh nghiệp tốt hơn. Còn lãi suất chỉ mang tính ảnh hưởng một phần đối với những doanh nghiệp đang mong muốn hỗ trợ vốn", ông Hiển nói. |