Ngậm ngùi xóm trọ: Khi phép vua thua "Luật xóm trọ"
Ngậm ngùi xóm trọ: Tiền điện, tiền nước "bóp nghẹt" hầu bao Chuyện trông trẻ từ những “xóm trọ tăng ca” |
Câu nói quyền lực của chủ nhà trọ
Trên đất Hà thành này không thiếu những ông bà chủ trọ tử tế. Đó là những người sẵn sàng giảm tiền nhà còn tặng thêm quà cho người thuê trọ giữa lúc dịch bệnh khó khăn. Đó là những người thu đúng tiền điện nước, tuân thủ hợp đồng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người thuê trọ. Thế nhưng, giữa những người tốt cũng còn rất nhiều chủ nhà trọ làm ăn chộp giật, bòn rút đến từng đồng của những sinh viên, người lao động đang cố tìm một chỗ trú chân bám trụ thành phố.
Suốt chục năm lăn lộn ở Hà Nội, trải qua không biết khu nhà trọ, anh Quyến (Thanh Hóa) chia sẻ rằng: Đôi khi anh vẫn thuê được nhà trọ mà điện nước giá dân (trả theo đúng giá nhà nước). Đó thường là những phòng lẻ, căn hộ độc lập mà chủ nhà dôi dư ra cho thuê kiếm thu nhập thêm. Nhưng điện nước giá rẻ đồng nghĩa với tiền thuê nhà giá cao hơn vì phòng đẹp hoặc là nhà nguyên căn. Còn ở những dãy nhà trọ nhiều phòng hay chung cư mini thường giá điện nước rất cao.
Dù biết nhà nước có chính sách giá điện nước cho người thuê trọ nhưng anh Quyến và rất nhiều người khác vẫn không thể đấu tranh cho bản thân dùng đúng giá lẽ ra mình được hưởng.
Lí do chủ nhà đưa ra là tiền điện bị tính giá kinh doanh, rồi cộng thêm tiền điện bơm nước, hao mòn bể chứa, công tơ điện... Nói đi nói lại thì chủ nhà chốt lại bằng câu "không ở thì đi thuê chỗ khác".
Một khu căn hộ mini ở Mễ Trì Thượng. |
Câu nói quyền lực nhất của chủ nhà khiến khách thuê nào cũng sợ bởi mặt bằng chung tiền điện tiền nước nhà trọ ở trong khu vực đều sàn sàn nhau, theo như khảo sát dao động từ 3.500 - 5.000 đồng/số. Nhà trọ điện nước giá dân thì quý hiếm. Tìm đâu ngay được một chốn an cư nếu bị đuổi ra khỏi hỗ trọ? Chỗ khác liệu có tốt hơn không? Rồi chuyển chỗ ở còn phát sinh ra bao chi phí và những việc lặt vặt khác... Chưa kể chủ nhà trọ còn nắm đằng chuôi khi giữ khoản tiền cọc ít nhất 1 tháng của người đi thuê.
Những toan tính đời thường trong một túi tiền eo hẹp đã khiến người thuê trọ bấm bụng chấp nhận thỏa thuận tiền điện nước cao chót vót từ lúc thuê nhà. Và để giảm bớt gánh nặng chi phí, họ tiết kiệm điện nước tối đa hoặc cắt giảm chi phí sinh hoạt bù cho chi phí tiền điện tăng vọt trong những ngày hè nắng hầm hập.
Xử phạt từ 7-10 triệu chủ nhà thu điện giá cao, ai là người tố cáo?
Ngày 12/9/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về thực hiện giá bán điện. Theo đó, chủ nhà phải tính giá điện cho người thuê trọ như một hộ sinh hoạt độc lập, biểu giá điện bậc 3 - từ 101 đến 200kWh (tính theo giá điện hiện nay là 2.014 đồng/kWh). Trường hợp chủ nhà xác định được số người thuê sẽ được tính 2 định mức 100kWh đầu hưởng giá bậc 1 là 1.678 đồng/kWh và 100kWh sau được hưởng giá bậc 2 là 1.734 đồng/kWh.
Theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, chủ nhà trọ có thể bị phạt đến 10 triệu đồng nếu thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định.
Cổng một xóm trọ tại Hà Nội |
Thế nhưng trong năm 2019, lần đầu tiên có một khách trọ ở quận Đống Đa tố cáo chủ nhà thu điện giá cao đã bị chủ nhà đuổi dù hợp đồng chưa hết hạn và tuyên bố không trả lại tiền “cọc”.
"Mình cần người ta chứ người ta đâu cần mình" là điều khiến người đi thuê nhà lặng thinh, không dám tố cáo.
"Kể cả khi có đoàn kiểm tra xuống kiểm tra xóm trọ, cũng không có ai dám đứng ra làm nhân chứng", một thanh tra của EVN Hà Nội cho biết.
Thêm nữa, người đi thuê cũng chẳng có giấy tờ, biên lai chứng minh mình bị thu sai vì thỏa thuận miệng và nộp tiền mặt thẳng cho chủ nhà.
Nhiều người bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành có hậu kiểm những mong giảm bớt gánh nặng chi phí tiền điện nhưng cũng có người tỏ ra bi quan.
"Về bản chất, người thuê sẽ vẫn trả tiền thuê không thay đổi. Do cạnh tranh giá thuê trọ nên đa số hộ cho thuê giảm giá thuê, tính tiền điện cao hơn. Nếu nhà nước quản được giá điện, tất cả sẽ đẩy giá cho thuê cao hơn để bù thất thu về điện", một khách đi thuê nhà chia sẻ.
Theo đại diện EVN Hà Nội, việc kiểm tra giá điện nước nhà trọ gặp rất nhiều khó khăn do các hộ ngại kê khai, đăng ký giấy đăng ký kinh doanh, sổ tạm trú... Nhiều chủ nhà né tránh bằng cách giảm giá điện theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 nhưng lại tăng giá tiền nhà. Hoặc có hộ tính gộp tiền thuê nhà và tiền điện, nước vào một khoản chứ không tách riêng như trước...
Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, Thông tư 25/2018/TT-BCT đều chia sẻ khó khăn, gánh nặng cho người lao động, học sinh, sinh viên... phải đi thuê trọ. Thế nhưng, suốt bao nhiêu năm nay, luật nhà nước vẫn bị lãng quên mà thay vào đó là quy tắc ngầm khi chủ nhà thu tiền điện nước bao nhiêu thì người thuê cũng phải đồng ý.
Công ty điện lực EVN Hà Nội cũng không ít lần phối hợp với phường, Sở Công thương tuyên truyền luật pháp, mời chủ nhà trọ ký cam kết nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Nguyên nhân sâu xa là ở đâu? Mời các bạn tiếp tục đón đọc bài tiếp theo: Ngậm ngùi xóm trọ - Thu giá điện cao, chủ nhà có nỗi khổ riêng?