Ngậm ngùi xóm trọ: Tiền điện, tiền nước "bóp nghẹt" hầu bao
Chuyện trông trẻ từ những “xóm trọ tăng ca” |
Tiền điện đắt hơn cả tiền thuê nhà
Nhận hóa đơn tiền điện tháng hè, anh Nguyễn Văn Quyến (Thanh Hóa) lặng người đi: 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, giá căn phòng anh cùng vợ con đang thuê trọ chỉ có 1,5 triệu đồng. Anh bảo đã chuẩn bị tinh thần giá hóa đơn điện sẽ rất cao vì chủ trọ tính 4.000 đồng/số nhưng không ngờ lại cao đến thế.
Một mình phải gồng gánh cả gia đình khi vợ vừa mất việc do Covid-19 lại đang mang bầu, anh Quyến đã chọn khu trọ khá xa trung tâm, ở sát bệnh viện K Tân Triều để đỡ chi phí nhưng vẫn phải kêu trời khi giá điện "nhảy múa".
Anh Quyến chia sẻ: "Số điện chủ nhà đọc rồi họ thông báo số tiền phải đóng. Mình đóng thẳng cho chủ nhà thôi chứ chẳng có hóa đơn gì đâu. Có thắc mắc, chủ nhà bảo giá chung rồi, còn không đồng ý thì mời đi chỗ khác".
Cũng phải thuê trọ nhưng ở một mình, chị Thanh Hoàn (Mỹ Đình, Hà Nội) khá sốc khi nhận hóa đơn tiền điện hơn 800.000 đồng. "Mình ở một mình mà tiền điện bằng cả gia đình 4 người ở. Nhưng phải chịu thôi vì chủ nhà báo ngay từ đầu là 4.500 đồng số", chị nói.
Giá điện, nước xóm trọ cao ngất ngưởng "bóp nghẹt" hầu bao của người đi thuê |
"Giá điện chỗ tôi hiện tại là 3.500 đồng/số. Tôi đã chuyển qua 3 phòng trọ quanh khu phố này rồi. Nhưng ở chỗ nào thì chủ trọ cũng thu mức giá này thôi, có nơi còn thu đến 5.000 đồng/số. Vì đi học và làm thêm ở gần đây nên tôi phải chấp nhận ở quanh khu vực này. Nếu chọn ở xa thì lại tốn tiền xăng đi lại" - Hoàng Bá Tùng (Sinh viên ĐH GTVT, đang trọ tại Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Khảo sát hàng loạt khu trọ trên địa bàn TP Hà Nội, người đi thuê trọ phải trả từ 3.500 - 5.000 đồng/số điện nộp thẳng cho chủ nhà, không hóa đơn. Đây là mức giá chung từ vài năm nay chứ không phải chỉ riêng trong năm 2020.
Nước sinh hoạt cũng "leo giá" bất thường
Ngoài cảnh giá điện "cắt cổ" thì hầu bao người thuê trọ cũng hao hụt thêm khi giá nước sinh hoạt cũng bị chủ trọ thu cao bất thường. Thông thường, tiền nước được chủ nhà trọ "khoán thu" theo đầu người, dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/người. Nếu tính theo số, người đi thuê nhà sẽ bị tính 20.000 - 25.000 đồng/ khối.
Nhiều nơi sử dụng nước máy còn may chứ có những khu trọ vẫn dùng nước giếng khoan được lọc sơ sài, thứ nước mà giặt vài lần áo trắng đã vàng khè. Và thế là người đi thuê nhà phải dùng nước bẩn giá cao.
Trong những xóm trọ lụp xụp và ẩm thấp, tiền điện, nước nghiễm nhiên bị tính đắt gấp 3-4 lần như một thứ luật bất thành văn, các cư dân xóm trọ muốn tiết kiệm thì phải "nhịn" điều hòa, dùng điện nước tiết kiệm tối đa.
Vào những ngày nắng nóng gần đây, nhiệt độ trong nhà luôn ở khoảng 40 độ C, các "công dân xóm trọ" từ người lao động đến sinh viên phải nghĩ ra đủ cách để chống chọi với thời tiết mà không tốn quá nhiều tiền điện, nước.
Người đi thuê nhà có thể có hợp đồng thuê nhà nhưng không bao giờ có hợp đồng điện nước |
"Phòng trọ lắp sẵn điều hòa nhưng không dám bật vì tiền điện quá cao" là nỗi ngậm ngùi của nhiều người. Không được dùng điều hòa, những người ở trọ phải tìm các giải pháp "chống nóng" rẻ tiền hơn như xả nước ra nhà, mua vài ngàn đá lạnh để trước quạt, hoặc lúc ban ngày rảnh rỗi thì "trốn" vào siêu thị, trung tâm thương mại...
Theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện, nếu không kê khai được số người ở trọ thì áp dụng tính giá điện nhà trọ theo giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Dẫu có biết là mình đang bị "chủ trọ" móc túi, họ vẫn im lặng ngậm ngùi. Vì đâu nên nỗi ấy? Mời các bạn đón đọc ở bài 2: Khi phép vua thua Luật xóm trọ.