Tình người giữa lúc khó khăn

Thất nghiệp, giảm giờ làm, thu nhập bấp bênh là tình cảnh chung của rất nhiều lao động nhập cư tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều người phải rời TP trở về quê, người ở lại phải sấp ngửa mưu sinh trong vô vàn khó khăn. Ngay giữa những cái khó đã có những bàn tay đưa ra dìu nhau. Thế đó, tình người vẫn ấm lòng trong mọi nghịch cảnh.
Ấm áp tình người trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Hà Tĩnh: Người bố bạo hành bé gái 10 tuổi đã ra trình diện cơ quan chức năng Hà Tĩnh: Người bố có thể bị phạt tù sau vụ trói tay bé gái treo lên trần nhà đánh đập

Phòng trống nhưng không lạnh

“Hiện giờ khách thuê trả phòng khoảng 30%. Họ về quê hết rồi, giờ khó khăn, ở lại mà không kiếm được thu nhập thì mọi thứ trở nên gánh nặng không mang nổi”, anh Nguyễn Hiếu Trung, chủ một khu nhà trọ khá lớn ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức nói. Khu nhà trọ của anh Trung hiện có 132 phòng đang kinh doanh.

Có thể nói, phường Bình Chiểu là “thủ phủ” của người lao động nhập cư. Nơi đây, hàng loạt khu công nghiệp (KCN) bao quanh như KCN Bình Chiểu, KCN Đồng An, KCN Sóng Thần, Khu chế xuất Linh Trung 2… đã biến Bình Chiểu trở thành vùng đất lành để người lao động cư trú. Giá thuê phòng trọ ở đây được xem là rẻ nhất nhì TP Thủ Đức, dao động từ 900 ngàn - 1,3 triệu đồng/phòng, diện tích từ 10 - 15m2 có gác xép. Diện tích và mức giá như vậy được cho là phù hợp với thu nhập công nhân.

Rẻ vậy nhưng không ít người vẫn không thể trả nổi.

Những dãy nhà trọ công nhân
Những dãy nhà trọ bình dân cho công nhân

Gia đình bà Trần Thị Thu Em, quê ở Đồng Tháp hơn chục năm mưu sinh ở TP Hồ Chí Minh. “Chưa bao giờ cảm thấy khó khăn như hiện nay…”, bà Em nói.

Cả nhà bà Em với 8 nhân khẩu, hiện đang thuê 2 phòng trong khu nhà trọ của anh Trung. Công việc hiện nay của bà Em là đi rửa bát thuê, chồng làm phụ hồ, một người con gái đi làm công nhân may, người con trai thì bị bệnh chậm phát triển. Ở phòng kế bên, gia đình người con gái lớn với 4 nhân khẩu vừa dọn về ở sau khi mất việc ở Bình Chánh. Cả nhà có 3 lao động nhưng đã 8 tháng rồi bà Em phải thiếu tiền nhà trọ.

bà Trần Thị Thu Em
Bà Trần Thị Thu Em trò chuyện cùng mọi người

“Dưới quê không có đất nên quay về không được, ở lại thì công việc lúc có lúc không, thu nhập bấp bênh chỉ đủ tiền ăn, không đủ tiền ở. Cũng may ông chủ thương nên không đuổi, không thì giờ không biết đi đâu, giờ có bao nhiêu trả bấy nhiêu thôi…”, bà Em thở dài.

Dãy phòng trọ kế bên, chị Trương Thị Ngọc Cúc ngồi bệt dưới sàn nhà để gia công bao bì ni-lông cho một công ty trong KCN Bình Chiểu. Cạnh chị, đứa con trai mới 6 tháng tuổi đang ọ ọe trong chiếc võng. Nếu làm từ sáng đến tối cũng được khoảng 10kg hàng, thu nhập khoảng 150 ngàn đồng.

(Chị Cúc đang gia công bao bì cho một công ty trong KCN Bình Chiểu)
Trong khi chị Cúc đang làm thì con chị ngủ ngoan trên chiếc võng

16h30, anh Cáp - chồng chị Cúc làm công nhân đã trở về nhà. “Công ty đang giảm giờ làm nên về sớm”, anh cho biết.

Vào nhà thăm con một lúc, anh Cáp lại vội theo bạn đi tìm công việc làm thêm buổi tối. “Năm nay tự nhiên thấy khó quá trời, nhiều khi nhà có chuyện nên không trả nổi tiền trọ. Cũng may ông chủ cho thiếu khi náo có trả sau. Không thì mình cũng không biết sao…”, chị Cúc kể.

Trong căn phòng trọ đầu dãy, ông Đỗ Văn Kheo, 65 tuổi, quê Hậu Giang đang nằm trên võng đong đưa. Trông có vẻ thảnh thơi thế thôi, thế nhưng…

Khoảng 3 năm nay do căn bệnh gan trở nặng, ông Kheo cứ nằm buồn buồn vậy. Giờ nhà chỉ còn trông chờ vào khoảng tiền lột củ kiệu của của bà. Ngày nào có việc, bà làm đến đêm cũng được 150 ngàn đồng, việc ít thì cũng kiếm được 80 ngàn. Tiền ăn còn thiếu trước hụt sau nên tiền thuốc càng khó.

“Do có chuyện trong nhà, cách đây hơn 10 năm tôi đưa gia đình lên đây sống. Mấy đứa con nó làm công nhân cũng nghèo, trước cũng ở khu trọ này nhưng giờ ra riêng hết rồi. Tụi nó cho được bao nhiêu biết bấy nhiêu chứ không dám xin, nghe nói giờ cũng mất việc nên cũng tội… Giờ bệnh không làm được gì thì mình gắng chịu đau thôi. Tiền nhà nhiều tháng không trả nổi phải thiếu, giờ nếu nhà mình nằm xuống không biết thế nào nữa”, ông Kheo giọng buồn buồn nói.

(ông Kheo đang ngồi trên võng kể chuyện)
Ông Kheo đang ngồi trên võng kể chuyện

Anh Trung cho biết, số tiền nhà trọ mọi người đang thiếu lên đến gần 200 triệu đồng nhưng nhìn những mảnh đời xa quê anh cũng không nỡ đòi hay đuổi họ. Theo lời anh Trung, trong cơn đại dịch vừa rồi, khách trọ bỏ về quê làm thiệt hại vài trăm triệu. Mất tiền nhưng nhìn cảnh công nhân vật vã mưu sinh, anh phải ngó lơ… coi như không vậy.

Khi bàn tay nắm bàn tay...

“Khu nhà trọ của tôi họ trả phòng khoảng 50% rồi. Kinh tế năm nay khó khăn, không có việc làm nên họ về quê nhiều lắm”, bà Đinh Thị Tánh - chủ khu nhà trọ 114/54 Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu bảo vậy. Số người trụ lại chủ yếu là vợ hoặc chồng chỉ bị giảm giờ làm, người còn lại giờ phải làm đủ nghề kiếm sống.

(bà Đinh Thị Tánh chủ khu nhà trọ ở phường Bình Chiểu)
Bà Đinh Thị Tánh - chủ khu nhà trọ ở phường Bình Chiểu nói chuyện về đời sống công nhân

Vợ chồng anh Chu Trọng Quyết, quê Nghệ An trở thành khách trọ trong khu của bà Tánh đã 13 năm. Cái khó chung đã đành, anh Quyết còn ngặt nghèo hơn khi mang trong mình mầm bệnh ung thư gan đã 3 năm. Nhà có 4 miệng ăn, vợ chồng anh hiện đang làm công nhân cho công ty Free Trend. Mới rồi, nhắm không thể trụ được nên vợ chồng anh đành bấm bụng gửi hai con nhỏ về quê nhờ bà ngoại nuôi và cho đi học.

“Tôi cố gắng trụ được đến bây giờ cũng nhờ vào tình cảm của nhiều người. Biết tôi bệnh nặng nhưng công ty vẫn hỗ trợ cho tiếp tục công việc. Mỗi lần vào viện, vợ phải lên chăm. Biết khó khăn, anh em công ty mỗi người lại góp ít tiền gửi cho tôi chữa trị. Tiền trọ tháng nào không có thì xin thiếu rồi trả sau. Bà chủ nhà trọ lâu lâu lại ghé cho ít tiền, đồ ăn, còn tạo điều kiện cho dựng cái bếp để sắc thuốc Nam. Những tình cảm đó là động lực giúp tôi vượt qua nhiều lần tưởng chừng gục ngã…”, anh Quyết bộc bạch.

(Anh Quyết người mang trọng bệnh đang ngồi trò chuyện)
Anh Quyết - người mang trọng bệnh đang ngồi trò chuyện cùng mọi người

Trong xóm trọ nghèo này, những hành động chia sẻ nhỏ nhưng cái tình nó lớn. Cách gia đình anh Quyết một dãy nhà, gia đình anh Đinh Văn Hạnh cũng là một trong những trường hợp “bi đát” được nhiều người quan tâm hỗ trợ. Đứa con trai lớn của anh mắc bệnh tim bẩm sinh. Để con được sống tốt hơn, anh phải bỏ làm công nhân ra ngoài kiếm việc tự do để có thời gian chăm sóc cho con.

Đứa bé năm nay đã 6 tuổi nhưng không biết bao nhiêu lần phải nhập viện để chạy chữa. Đồng lương công nhân may của vợ và thu nhập từ phụ hồ của anh không thể gánh. Những lúc tưởng buông xuôi thì những bàn tay nghĩa tình của bạn bè, đồng nghiệp lại chìa ra. Sự hỗ trợ vật chất không đủ lớn nhưng là động lực để anh tiếp tục nuôi hy vọng.

“Tôi sẽ cố gắng hết sức dù biết là khó khăn. Nhìn nụ cười thơ ngây của con và ánh mắt động viên của những người quanh mình nên tôi không thể gục ngã… Mong là mọi chuyện sẽ ổn…”, anh Hạnh bảo vậy.

Những xóm trọ gắn liền với bao đứa trẻ
Những xóm trọ gắn liền với bao đứa trẻ có cha mẹ là công nhân

Đi qua cơn đại dịch, những tưởng những mảnh đời khó nhọc sẽ quỵ ngã, nhưng rồi họ đứng lên bước tiếp. Giờ đối diện với những nghịch cảnh hiện tại nhưng bước chân dù chông chênh của họ lại tiếp tục gắng gượng. Cái tình “lá lành đùm lá rách” đang là cách để họ dìu nhau đi tiếp. Cần lắm những bàn tay sẻ chia để tương lai những phận đời rồi sẽ tươi sáng hơn.

Minh Tường - Hoàng Thổ
Phiên bản di động