Nền nông nghiệp vẫn chưa hóa giải được "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, manh mún nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng thì sẽ sinh ra một thị trường hỗn loạn... đang là một điểm mờ của ngành Nông nghiệp.
Phó Thống đốc: Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên Doanh nghiệp hợp tác đầu tư về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp chúng ta đang bị một "lời nguyền" là manh mún nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng.

Chính vì thế, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại ngành hàng và cấu trúc lại thị trường để các liên kết đỡ đổ vỡ, đứt gãy. Đây vẫn là điểm mờ của ngành Nông nghiệp.

Nói về câu chuyện về thương lái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhiều người nói thương lái ép giá và vẫn tư duy họ là lực lượng buôn đầu chợ bán cuối chợ, không mất vốn liếng. Tuy nhiên, thực tế thương lái không thể quyết định được giá của thị trường vì hiện nay thị trường không phải cục bộ trong tay vài ba người có thể quyết định giá cả.

Theo Bộ trưởng, trong cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản không ai "làm tất ăn cả" được mà vẫn cần sự kết hợp với nhau. Quan trọng là người nông dân cần biết tập hợp lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã thì sẽ giảm bớt rủi ro.

Ông Lê Minh Hoan cho biết, giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Nông nghiệp vẫn cần tiếp tục chú trọng 2 mục tiêu trọng yếu đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp.

Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, trong tư duy kinh tế nông nghiệp, cần làm sâu sắc và lan tỏa tư duy kinh tế, làm sao trên 1 đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn.

Nền nông nghiệp vẫn chưa hóa giải được
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thực tế, thời gian qua, nông nghiệp du lịch đã chứng minh cho thấy lợi nhuận tăng gấp 5 - 6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. Cũng trên miếng vườn đó, người nông dân sắp xếp nhà cửa chỉn chu, biết nấu nướng, trau chuốt lại lời ăn tiếng nói, biết kể câu chuyện cho du khách… thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao.

"Cái vô hình mà chúng ta chưa khai thác nhiều khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Về vấn đề thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp, những cụm từ như du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…, về tư duy thì từng năm một cần phải thay đổi, mà phải nghĩ cho 5 năm sau, thậm chí 10 năm sau.

Cũng theo Bộ trưởng, tư duy về tăng trưởng cần phải thay đổi, bởi nếu muốn đạt số tăng trưởng mà sản xuất bằng mọi giá, mọi cách để đạt chỉ tiêu thì sẽ sinh ra hệ lụy.

"Có những kết quả đong, đo, đếm được bằng số liệu, nhưng có những cái không đo, đếm được, có thể chưa thể hiện được cho tăng trưởng năm 2024 nhưng có thể tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2025", Bộ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh cần liên kết lại để các ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng mạnh khoa học công nghệ…

Thị trường trong nước hay ngoài nước cũng đều là thị trường, làm sao tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân với giá tối ưu, nông dân bán giá 10 đồng trừ chi phí sản xuất 9 đồng thì lãi 1 đồng, nhưng trường hợp chỉ bán với giá 8 đồng, chi phí sản xuất chỉ hết 6 đồng thì lãi 2 đồng.

Về câu chuyện thị trường, trước nay chúng ta tập trung cho thị trường Trung Quốc bởi vấn đề biên giới thuận tiện, số lượng người tiêu dùng lớn và chúng ta hay đánh giá đây là thị trường dễ tính.

Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính nữa, rất nhiều các hàng rào kỹ thuật, những quy định liên quan tới an toàn thực phẩm… khiến thị trường linh hoạt nay đóng, mai mở liên tục, có cả những yếu tố về ngoại giao nữa nên chúng ta phải lường trước rủi ro, tìm được điểm cân bằng và tạo ra được nhiều thị trường nhất về nông sản.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để giữ được thị trường, bản thân chúng ta phải cấu trúc được các ngành hàng, gắn người sản xuất với các doanh nghiệp.

"Ngày xưa cứ thuận mua vừa bán, đến mùa đến vụ doanh nghiệp đến tận vườn mua, giờ dần dần doanh nghiệp tìm đến các hợp tác xã, thậm chí đầu tư cho hợp tác xã, xem như đó là người đồng hành với mình", Bộ trưởng chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động