Nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào thế giới bên ngoài
Ủy ban Kinh tế nhất trí bổ sung gần 20.700 tỷ đồng cho Vietcombank Ủy ban Kinh tế cảnh báo tình trạng lũng đoạn, tạo sóng, đầu cơ đất đai |
Sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với mức tăng trưởng quý III/2024 đạt 7,4%, cả 9 tháng đạt 6,82%, cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi lại được như trước khi diễn ra dịch COVID-19, tạo đà cho quý IV tăng trưởng và mục tiêu đặt ra GDP năm 2024 từ 6,5% đến 7% hoàn toàn có thể đạt được.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, chủ trì phiên thảo luận tổ. |
Theo ông Cường, một số lĩnh vực của chúng ta khá ổn định như nông, lâm nghiệp, nhưng không vượt trội so với năm trước. Lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tương đương năm trước, nên thành quả tăng trưởng chủ yếu là công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.
"Điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào đóng góp chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI", ông Cường nhận định.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. |
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu thực tế số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng 9,7%, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng đến 21%, cho thấy sự phục hồi còn nhiều vấn đề.
"Nền kinh tế nước ta đang phụ thuộc, tính tự chủ còn có vấn đề, đặc biệt tiềm lực doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Nếu muốn phục hồi bền vững không lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn phải có giải pháp tăng năng lực của doanh nghiệp trong nước", ông Cường nói.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến quảng cáo của sàn giao dịch Tamu gần đây rất rầm rộ, giảm giá manh đến 70%. Ông cho rằng đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và quan ngại hàng hóa giá rẻ này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.
“Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa. Cùng với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, ông Cường chia sẻ.