Năng lực của Chủ đầu tư Wyndham Thanh Thủy có đảm bảo để nhà đầu tư "chọn mặt gửi vàng"
Cenland chào bán dự án Wyndham Thanh Thủy với hàng trăm người tham gia khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp Cần xem lại năng lực của Chủ đầu tư Dự án Wyndham Thanh Thủy |
Vốn ban đầu chỉ 18 tỷ đồng
Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji là chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy thành lập doanh nghiệp chỉ chưa đầy ba năm với số vốn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng thực hiện đồng thời hai dự án, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có đáp ứng đủ năng lực để các nhà đầu tư cá nhân và khách hàng "chọn mặt gửi vàng?"
Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy của Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji liệu có để khách hành yên tâm? |
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji được thành lập vào ngày 25/10/2018, có trụ sở chính tại số 1 Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Thời điểm khi mới thành lập Onsen Fuji có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Linh (SN 1979) nắm giữ 49% cổ phần, ông Đặng Mạnh Quân nắm giữ 1% cổ phần và bà Đặng Thanh Tú (SN 1983) nắm giữ 50% cổ phần. Bà Đặng Thanh Tú là người đại diện pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Onsen Fuji.
Từ vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, tháng 4/2019 Onsen Fuji nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng. Chỉ 7 tháng sau doanh nghiệp này một lần nữa điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên con số 500 tỷ đồng. Sau khi thay đổi, doanh nghiệp này có tổng 10 lao động và bà Đặng Thanh Tú vẫn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Tại dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), UBND tỉnh Phú Thọ cấp Quyết định chủ chương đầu tư ngày 14/6/2019 yêu cầu Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji tăng tổng mức đầu tư tăng từ 90 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng (trong đó vốn tự có là 100 tỷ đồng và vốn hợp pháp khác là 400 tỷ đồng).
Trong khi đó, tại thời điểm dự án có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng thì chủ đầu tư chỉ có 20% vốn tự có, tức chỉ có 18 tỷ đồng. Vậy với số vốn như vậy, liệu rằng dựa án có đảm bảo được tiến độ, có triển khai đúng như bánh vẽ mà chủ đầu tư và môi giới quảng cáo, kêu gọi nhà đầu tư, khách hàng rằng, “khi đầu tư vào dự án, sẽ lời tới 16,3%, hoàn vốn trong vòng 6 năm, hưởng thu nhập thụ động trong 42 năm và đặc biệt, khác hàng được hưởng lợi ích kép”. Với năng lực của chủ đầu tư như vậy, nhiều nhà đầu tư và khách hàng đặt nghi ngờ cho dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy.
Vấn đề chủ đầu tư đã bổ sung mức đầu tư cho dự án hay chưa thì đây là câu hỏi mà nhiều khách hàng và nhà đầu tư quan tâm.
Mặc dù, phóng viên đã liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji để làm rõ về năng lực của chủ đầu tư, việc trúng đấu giá đất bất thường... tuy nhiên vẫn chưa có phản hồi. |
Trúng đấu giá đất chỉ hơn 1,2 triệu đồng/m2
Trước đó, Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin “Dự án Wyndham Thanh Thủy trúng đấu giá đất chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng bán gấp 35 lần”. phản ánh việc Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji trúng đấu giá diện tích 8.837,6 m2 đất thương mại, dịch vụ tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ (tức Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy) là 11.071.652.000 đồng.
Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy trúng đấu giá chỉ hơn 1,2 triệu đồng/m2 nhưng bán gấp 35 lần. |
Trong khi đó, giá khởi điểm do Trung tâm Phát triển quỹ đất – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ thông báo là 10.971.652.000 đồng (Mười tỷ chín trăm bảy mươi một triệu sáu trăm năm mươi hai nghìn đồng), trong đó quyền sử dụng đất là 8.115.444.000 đồng và tài sản gắn liền với đất là 2.856.208.000 đồng.
Theo tính toán của chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá đất, việc Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji trúng đấu giá diện tích đất trên chỉ chênh lệch trúng đấu giá so với giá khởi điểm là 100 triệu đồng. Qua đó, với mỗi m2 đất, công ty chỉ phải bỏ ra số tiền 1.252.790 đồng/m2 so với giá khởi điểm là 1.241.474 đồng. Và mức chênh lệch mỗi m2 đất thương mại, dịch vụ tại huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chỉ là 11.316 đồng.
Dự án cũng được cho thuê tới 50 năm, và mỗi năm, theo tính toán, Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji chỉ mất 25.055,8 đồng/m2 tiền thuê đất. Quả thực đây là một miếng bánh ngon và ngọt cho Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji.
Dư luận đặt ra câu hỏi liệu chính quyền địa phương có quá ưu ái đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji trong việc đấu giá đất tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ?