Năm nay, Hà Nội dự kiến hút 3,13 tỷ USD vốn FDI

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của thành phố.
Hà Nội dành hơn 6 tỷ đồng tặng quà người có công dịp Quốc khánh Thành lập Trung tâm Hội nghị TP Hà Nội

Sáng 17/8, báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 17/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong 7 tháng năm 2024, Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Theo đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được bảo đảm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán

Giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18.100 tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, con số giải ngân này thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của thành phố.

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật của thành phố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển.

Năm nay, Hà Nội dự kiến hút 3,13 tỷ USD vốn FDI
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Đồng thời, thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. Theo ông Trần Sỹ Thanh, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của thành phố.

"Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thành phố tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

"Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững", Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó, để quy định chi tiết và cụ thể hóa Luật Thủ đô, cần phải rà soát, nghiên cứu, xây dựng và ban hành 96 văn bản, nội dung, nhiệm vụ; trong đó 6 nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Hà Nội mong muốn Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tích cực triển khai Kế hoạch xây dựng các văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền đảm bảo tiến độ đề ra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phân cấp, phân quyền chủ động cho Thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô theo Kết luận 80 của Bộ Chính trị. Có các biện pháp khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông, là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía nam và phía bắc sông Hồng.

Về đô thị đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt, vì vậy Thành phố đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cho phép Hà Nội triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển thành phố phía bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai để kêu gọi các nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển trong nước và quốc tế.

Điều này nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ, sớm tạo dựng một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

Đối với liên kết, phát triển vùng, TP Hà Nội đề nghị được quan tâm tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho thành phố để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành và khép kín các tuyến đường vành đai. Hoàn thành Vành đai 4 vào năm 2027, các cầu vượt sông Hồng; sớm khởi công đường Vành đai 5 trước năm 2030 để tạo hành lang phát triển vùng phía tây Thủ đô và liên kết phát triển giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác.

Hậu Lộc
Phiên bản di động