Mua điện mặt trời dư thừa giá 0 đồng để ngăn trục lợi chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) với điện mặt trời mái nhà là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.
Bộ Công thương đề xuất điện mặt trời mái nhà dư thừa được bán 0 đồng

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu... diễn ra chiều 24/4.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia thì sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo 2 thành phần, trong đó phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành.

"Hai chính sách về DPPA và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn. Cần lưu ý là nếu bỏ cụm từ tự sản tự tiêu sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không tuân thủ các quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển điện vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Bộ trưởng nói.

Mua điện mặt trời dư thừa giá 0 đồng để ngăn trục lợi chính sách
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông truyền tải thông điệp về bản chất khái niệm mặt trời áp mái tự sản tự tiêu để xã hội hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phát triển các nguồn điện hài hòa theo quy hoạch điện đã được phê duyệt trong từng giai đoạn, không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

"Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn", ông Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp và Nghị định điện mặt trời mái nhà và cho rằng cần sớm ban hành cơ chế DPPA.

Bộ Công thương mới đây đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Tại dự thảo, đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, Bộ Công thương đề xuất các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.

Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Các tổ chức, cá nhân căn cứ quy mô, sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu sử dụng điện để thực hiện đăng ký công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm công suất lắp đặt nhỏ hơn phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký.

Hậu Lộc
Phiên bản di động