Miễn học phí cho con giáo viên: Hợp lý với giáo viên, bất công với xã hội
Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên trong năm học mới 1.900 giáo viên Hà Nội tham gia khóa đào tạo nâng chuẩn trình độ |
Cần cân nhắc tính khả thi
Tại phiên họp thứ 38 của Quốc hội, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban Quốc hội với Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.
Một trong số các chính sách gây tranh luận trong Dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.
Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, dự luật quy định miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là rất nhân văn nhưng việc thực hiện không dễ dàng.
"Chỗ này quy định thế nào hoặc để cho Chính phủ quy định theo hướng đối với những nhà giáo có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ, không ghi vào luật. Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên", ông Nguyễn Khắc Định góp ý.
Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình Quốc hội vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ. Bên cạnh đó, cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần hơn 9.200 tỉ đồng. "Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để bố trí chi hằng năm. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đây là luật được ngành giáo dục quan tâm nhưng lại là luật khó, nội dung tác động lớn và phức tạp. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm và cần khẩn trương, thận trọng, kỹ lưỡng.
Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối, độc giả Lê Bích Thuỷ (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt câu hỏi: "Đề xuất như vậy là không công bằng trong khi lương của giáo viên bây giờ có khi còn cao hơn cả lương lực lượng vũ trang. Giáo viên 365 ngày đều ở nhà với con cái để dạy dỗ con học tập, còn người công tác trong ngành lực lượng vũ trang một năm xa nhà 350 ngày mà con cái vẫn đóng học phí.
Kinh phí hoạt động của trường công đều từ ngân sách, từ tiền thuế của dân đóng góp, trong đó có nhiều ngành nghề khác không chỉ giáo viên. Nhiều trường hợp con em của nông dân, người lao động đi học đại học còn không có tiền cho con đi học, vậy mà họ vẫn phải "nuôi" con giáo viên, giúp chi trả học phí. Thực sự phi lý, không công bằng với các ngành nghề khác".
Cùng quan điểm, độc giả Phạm Văn Quyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng không chỉ có nhà giáo, các cán bộ khác cũng làm 8 tiếng/ngày, cũng tiếp xúc với Nhân dân, cũng gặp muôn vàn áp lực, con của họ vẫn phải đi học và chi phí thì vẫn phải chi tiêu.
"Tôi không có ý so bì, nhưng phải có sự công bằng giữa những người đang mang trên mình 4 chữ "Phục vụ Nhân dân". Đồng ý rằng nghề giáo có sự đặc thù, nhưng không phải vì thế mà phải vun vén tất cho một nhóm đối tượng nào đó", anh Quyền chia sẻ.
Dưới góc nhìn kinh tế, độc giả Vũ Đức Hoài, Công ty TNHH An Huy cho rằng, mọi nghề đều cần được đối xử công bằng khi người lao động đều bỏ công sức, chất xám và nhận lại mức thu nhập tương xứng. Do đó, nếu quá ưu ái một cách phi lý đối với một nhóm ngành nghề nhất định sẽ vô tình làm hình thành một số giáo viên "ảo tưởng", "ngáo quyền lực" như chính những trường hợp "cô giáo xin tiền mua laptop" vừa qua.
"Hãy đối xử công bằng, đề xuất nâng cao thu nhập nghề giáo sao cho xứng đáng. Đó mới là chìa khóa mở ra cánh cửa đầu tiên trong hành trình chấn hưng giáo dục", độc giả này nhấn mạnh.
Quan tâm giáo viên bằng cách nâng lương, tăng phụ cấp
Là một cựu giáo viên, cô Phạm Thị Mơ (nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) không đồng tình với đề xuất trên của Bộ.
"Tôi là giáo viên, tôi thấy rằng ngành nghề của mình sẽ được hưởng lợi nếu đề xuất này thành hiện thực. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao đề xuất này. Muốn quan tâm đến giáo viên thì hãy nâng lương, tăng phụ cấp cho họ và họ sẽ lo cho con cái của họ. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến giáo viên mầm non, những người luôn làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày nhưng bậc lương của họ đang được xếp thấp nhất".
Có rất nhiều cách thức để quan tâm, hỗ trợ giáo viên thay vì miễn giảm học phí cho con của họ |
Chuyên gia tâm lý học đường và giáo dục hành vi Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare) cho rằng, xét về khía cạnh nghề nghiệp thì xã hội không phản đối những chính sách đặc thù với nhà giáo. Tuy nhiên, khi xây dựng và ban hành luật thì cần có cái nhìn tổng thể, tính khả thi, có tầm nhìn xa hơn, bền vững hơn, tránh việc đưa vào quá nhiều những chính sách nhỏ lẻ mang tính thời điểm.
Ví dụ, nhìn một cách tổng thể thì giáo viên không quá khó khăn nếu so sánh với các ngành nghề khác. Tránh để cho xã hội có cái nhìn lệch lạc về nhà giáo rồi so sánh nghề này với nghề kia. Việc tăng thêm những chế độ phúc lợi cho giáo viên là cần thiết nhưng nên tính vào lương và phụ cấp đặc thù của nghề nghiệp.
"Khi làm luật thì nên coi trọng tính phổ quát, công bằng, đa dạng trong tiếp cận", chuyên gia tâm lý nêu quan điểm.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cũng cho rằng giáo viên có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng miền, ưu đãi nghề, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung... Đó là chưa tính thu nhập từ các nguồn khác như dạy thêm. Như vậy, thu nhập giáo viên so với mặt bằng thu nhập của người lao động ở các ngành nghề khác không thấp. Mặt khác, thu nhập của giáo có tính ổn định cao và còn tăng lên theo thời gian.
Cùng với đó, học phí hiện nay không phải là rào cản cho cơ hội tiếp cận giáo dục của con cái nhà giáo. Việc thực hiện chính sách này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như: sự bất bình đẳng, không công bằng giữa những người lao động trong các ngành nghề khác nhau, tâm lý tiêu cực của người lao động trong xã hội… Thêm vào đó, chi phí thực hiện đề xuất này khá cao. Trong bối cảnh hiện nay, đây không phải là mục tiêu quan trọng và cần ưu tiên thực hiện.