Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội

Sáng 29/9, gần 3.000 cán bộ, giáo viên đến từ các trường học THPT, THCS và Tiểu học của Hà Nội đã được đi thực tế, tham quan tại di tích Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Huyện Đông Anh: Quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa phi vật thể Hướng đi nào cho phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Từ Liêm? Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án 1209 do Sở GD&ĐT Hà Nội và Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội triển khai nhằm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, sự kiện này cũng nhằm hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc tham gia Đề án 1209 nhằm cung cấp kiến thức Hà Nội học cho giáo viên Thủ đô

TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, được sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, Trường Đại học Thủ đô tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông ở các cấp học (THPT, THCS và Tiểu học) nhằm trang bị thêm những kiến thức cơ bản nhất về Hà Nội trên các lĩnh vực như: Địa lý, dân cư và tính cách người Hà Nội; Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ngàn năm văn hiến; các giá trị văn hóa của Hà Nội; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện tại và tương lai,...

Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội
Các giáo viên đã được thực tế tại Hoàng thành Thăng Long

Từ đó, các thày cô sẽ tuyên truyền kiến thức đó cho các thế hệ nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ niềm tự hào và tình yêu đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời để họ từng bước nhận thức được trách nhiệm công dân, nỗ lực vươn lên học tập tốt, góp phần nhân lên những giá trị nhân văn của Kinh đô ngàn năm.

Đồng thời, điều này cũng phục vụ trực tiếp cho các chiến lược phát triển của Thủ đô và đất nước trong tương lai.

“Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2024 đã nhấn mạnh "Cần khẩn trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các trường ở Hà Nội". Việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học trong năm 2024 hy vọng sẽ thực hiện được một phần nhiệm vụ mà Thành ủy Hà Nội đặt ra, sẽ là bước chuyển giao, là sự chuẩn bị sẵn sàng đón nhận môn Hà Nội học vào giảng dạy ở các trường phổ thông thay thế môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội hiện nay” – TS Bùi Văn Tuấn nói.

Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội
...Và tìm hiểu về kinh thành Thăng Long xưa

Cũng theo TS Bùi Văn Tuấn, để học sinh Thủ đô hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội và có trách nhiệm với chính mảnh đất các em được sinh ra và lớn lên thì nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy các môn học trong nhà trường là rất quan trọng. Khi hiểu về Hà Nội rồi thì tùy vào đặc thù công việc, chuyên môn của mình (có thể làm chủ nhiệm, trong các giờ dạy học liên môn, tích hợp...) hãy truyền cho các em học sinh của mình sự say mê tìm hiểu về Hà Nội để các em tự hào và có trách nhiệm với Thủ đô.

Tham gia tập huấn và thực tế tại Hoàng thành Thăng Long, cô Đặng Thị Vương Nga – giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái – Ba Đình Hà Nội, cho biết, khi tham gia khóa học, bản thân cô đã hiểu hơn về mảnh đất Thăng Long qua các chuyên đề như: “Phong tục tập quán và lễ hội ở Hà Nội”, “Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội”, “Địa lý Hà Nội”, “Văn hóa Hà Nội trong đời sống đương đại”, “Các ngành nghề của Hà Nội – Nông thôn Hà Nội và các làng nghề thủ công”, ““Hà Nội không gian hội tụ và lan tỏa”, “Quy hoạch đô thị Hà Nội” … Từ đây, niềm yêu mến và tự hào về Hà Nội trong mỗi giáo viên đều được nhân lên gấp bội.

Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội

Sau khi làm bài thu hoạch, tham gia các buổi thực tế tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, các cán bộ, giáo viên sẽ được nhận chứng chỉ Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học.

“Chúng tôi sẽ mang những kiến thức học tập được từ khóa học này để trao truyền lại cho các lứa học sinh, để các em sẽ được tiếp thêm tình yêu về Hà Nội và các em sẽ có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán và truyền thống cách mạng hào hùng của Thủ đô, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh” – cô Nga nói.

Gần 3.000 giáo viên được đi thực tế tại các di tích của Hà Nội
TS Bùi Văn Tuấn cùng các giáo viên tham gia thực tế
Thái Sơn
Phiên bản di động