Lợi ích từ ứng dụng yoga trong trường học
Hơn 1.000 người hưởng ứng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 tại Hà Nội Á hoàng Miss Yoga Trang Thu Ngân: Mong muốn lan tỏa niềm đam mê với yoga Yoga-Liệu pháp hữu hiệu làm dịu những cơn đau nửa đầu |
Số lượng trẻ bị tăng động giảm chú ý ngày càng tăng
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder, viết tắt là ADHD), mất kiểm soát ở trẻ là một rối loạn biểu hiện ở thời thơ ấu với các triệu chứng tăng động, thiếu kiềm chế hoặc không chú ý.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc và xã hội. Hiểu một cách đơn giản: Tăng động giảm chú ý là một dạng cơ thể luôn dư thừa năng lượng khiến bản thân các con luôn cần vận động.
Theo số liệu thống kê tại Trung tâm tâm lý trị liệu Nhân Hoa Việt, trước dịch COVID -19, trung bình số lượng ca liên quan tới các vấn đề về tăng động giảm chú ý khoảng 500 trường hợp mỗi năm. Từ 2019 đến 2023, trung bình mỗi năm số ca liên quan đến các vấn đề này là 700 trường hợp, tăng khoảng 40% so với trước dịch COVID -19. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp đều có tiền sử bị COVID - 19.
Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng (Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu Nhân Hoa Việt) |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng (Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu Nhân Hoa Việt) cho biết: “Phần lớn nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị tăng động giảm chú ý xuất phát từ yếu tố di truyền đã được chứng tỏ có ảnh hưởng trong bệnh sinh ADHD và được cho là yếu tố có ý nghĩa nhất trong sự hình thành ADHD; các yếu tố môi trường như gia đình, giáo dục, xã hội, chế độ ăn uống, dịch bệnh… được coi là những chất xúc tác cho quá trình ADHD diễn ra”.
Tại buổi trò chuyện, chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ về các phương thức trị liệu căn bệnh này. Theo ông Thắng, mỗi cá nhân ADHD đều là một cá thể riêng biệt nên việc trị liệu cũng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, từ đó đưa ra phương pháp phù hợp. Dựa trên một nền tảng chung mà các bậc phụ huynh cũng có thể hỗ trợ cho con mình, một trong những phương pháp ông gợi ý đó là trị liệu kết hợp yoga và thiền - phương pháp Yogakids.
Phương pháp trị liệu yoga và thiền cho trẻ nhỏ là một trong số những phương pháp được chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng gợi ý để giúp cải thiện ADHD của trẻ. |
Yogakids cho trẻ là phương pháp phổ biến hiện nay về điều trị ADHD. Song ông Thắng cũng cho biết, để đạt được hiệu quả cao thì người hướng dẫn yoga và thiền cần có kỹ thuật đúng, hướng dẫn các con trong quá trình trị liệu. Lưu ý, phương pháp này không phải phù hợp với tất cả mọi trường hợp ADHD.
Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc hiệu quả
Thời gian gần đây, Yogakids đang là phương pháp nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh có con em nhỏ. Đây được đánh giá là một lối sống, một cách để hướng thiện, sửa đổi và rèn luyện tâm tính bởi những lợi ích về Thân – Tâm – Trí mà Yoga mang lại: giúp trẻ tự lắng nghe cảm nhận về cơ thể, cân bằng nhịp sống, gắn kết yêu thương.
Các tiết học Yogakids luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh học sinh |
Trong cuộc sống hiện tại, yoga không còn quá xa lạ với mọi người. Chị Trịnh Hồng Nhung - Giáo viên Yogakids của Học Viện Yogakids Việt Nam GYS nhấn mạnh: “Yogakids chính là một món quà quý giá mà cuộc sống hiện đại dành tặng cho trẻ nhỏ. Tiếp cận với yoga sớm, các con sẽ hình thành thói quen vận động đúng, giúp cơ thể phát triển cân đối, và khỏe mạnh toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Đi sâu vào với các lợi ích cụ thể như: Cải thiện chiều cao, sự tập trung, điều chỉnh cơ thể, chống gù lưng và cong vẹo cột sống, kích hoạt khả năng sáng tạo vượt trội trong trẻ…”
Hiểu được những lợi ích mà yoga mang lại, vừa qua, tại ngôi trường Mầm non Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô giáo Trần Lan Phương đã khéo léo lồng ghép các bài dạy yoga vào môi trường học thuật cho trẻ nhỏ.
Cô giáo Trần Lan Phương khéo léo lồng ghép Yogakids vào môi trường giảng dạy tại trường Mầm non Tương Mai |
Theo chia sẻ của cô Phương, internet và nhất là mạng xã hội (MXH) phổ biến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiêu cực không hề nhỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ như: thụ động, mất tập trung, khả năng kiểm soát bản thân kém hơn… Với kinh nghiệm của một giáo viên nhiều năm trong nghề, cô Lan Phương nhận thấy rõ sự thay đổi của trẻ, đặc biệt từ sau đại dịch COVID - 19.
Theo kết quả khảo sát của đầu năm học 2022 – 2023 tại lớp MGN số 5 với 32 học sinh do cô Lan Phương phụ trách: Số lượng học sinh tăng động: 3/32 học sinh - chiếm tỷ lệ 9.3%; Số lượng học sinh thiếu tập trung: 11/32 học sinh - chiếm tỷ lệ 34%.
Trước kết quả khảo sát này, cô Lan Phương đã mất nhiều đêm trăn trở và suy nghĩ. Cuối cùng, cô quyết định mạnh dạn triển khai tập yoga cho trẻ với chủ đề: “Ứng dụng yoga trong trường mầm non thông qua biện pháp yoga kể chuyện và trò chơi yoga giúp trẻ mẫu giáo nhỡ 4 - 5 tuổi rèn luyện sự tập trung chú ý”.
Tiết học Yogakids được trẻ hào hứng đón nhận bởi phương pháp giảng dạy thú vị |
Bản thân là một người yêu nghệ thuật hình thể và đã có nhiều năm trong luyện tập yoga, cô giáo trẻ rất tâm đắc với hoạt động phát triển thể chất này.
Dựa trên những dữ liệu đã có, cùng tinh thần cầu thị, ham học hỏi, cô đã liên tục đưa ra nhiều phương pháp yoga hiệu quả cho trẻ, khéo léo lồng ghép các câu chuyện mới, gợi mở, kích thích sự ham học hỏi trong mỗi tiết yoga của các bé.
Cô Lan Phương cho biết: “Sau 5 tháng thử nghiệm Yogakids cho trẻ, tôi thấy rõ sự khác biệt trong tâm trạng của các con. Các con sự thay đổi tích cực trong cử chỉ, thái độ và lời nói”.
Trẻ có nhiều chuyển biến tích cực sau khi tham gia các buổi học Yogakids |
Cụ thể, trong số 3 trẻ có biểu hiện tăng động lựa chọn thử nghiệm, 2 trẻ giảm bớt sự tự ti, tự tin giao tiếp, bộc bạch thể hiện được cảm xúc của mình, bắt đầu có sự gợi mở tích cực trong quá trình vui chơi cùng các bạn; một trẻ còn lại có tiến bộ hơn so với đầu năm. Riêng đối với 11 trẻ mất tập trung, các bé đã trở nên hào hứng hơn với các hoạt động trên lớp. Điều đặc biệt ở đây là mức độ tập trung và chú ý của trẻ được nâng cao trong rất nhiều hoạt động khác.
Nói tới đây, cô Phương bày tỏ niềm vui vì đã phần nào hiện thực hoá được ước mơ của mình qua hoạt động cụ thể. “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy xuất chúng biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”, cô Phương bày tỏ.
Từ hiệu quả đạt được trong thực tế, với sự động viên, khuyến khích của Ban Giám hiệu nhà trường, cô Phương đã chia sẻ phương pháp Yogakids với giáo viên cùng lớp và trong tổ chuyên môn. Tại các giờ sinh hoạt, giáo viên trong trường sẽ cùng nhau góp ý, tập luyện các tư thế yoga và chia sẻ các bài tập ứng dụng vào hoạt động phát triển thể chất. Học sinh của trường cũng được tham gia trải nghiệm sáng tạo tư thế yoga trên mô hình thủ công. Từ đó, cô giáo nhà trường sẽ lựa chọn các tư thế phù hợp và hỗ trợ trẻ luyện tập các tư thế đó.
Buổi học Yogakids ở tại trường Mầm non Tương Mai |
Đến nay, vào mỗi sáng thứ sáu hàng tuần trong giờ thể dục, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh toàn trường tập yoga theo hình thức giao lưu tập trung.
Cô Cao Thu Hằng – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Yogakids là một trong những yếu tố góp phần trong việc giúp trẻ phát triển toàn diện. Học sinh luôn hào hứng và mong chờ đến tiết Yogakids. Các bạn nhỏ có thể tập trung tham gia tiết học mà không cần sự nhộn nhịp sôi nổi của âm nhạc hay sự làm trò của giáo viên, đó là cách tiếp cận “trong động có tĩnh”. Và điều này là làm nên sự khác biệt của Yogakids với các bộ môn khác”.
Bằng một cách diệu kỳ của môn học, Yogakids luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của trẻ |
Qua đó, học sinh hạn chế tính tăng động, tăng cường sự cân bằng, tập trung, giữ dòng vận động chậm lại có sự kiểm soát. Các bậc phụ huynh cũng vì thế mà thích thú, ấn tượng và tiến tới hài lòng với những câu chuyện cùng những tư thế và sự vận động mà bé mang về nhà.
Hy vọng, trong tương lai, không chỉ trường Mầm non Tương Mai mà sẽ nhiều hơn nữa các trường sẽ quan tâm và đưa phương pháp Yogakids vào giảng dạy.