Liên ngành cần bắt tay “chặt” hơn để dẹp nạn hàng lậu “tuồn” về Hà Nội
“Siết” kiểm soát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính |
Các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... của Hà Nội cho rằng cần phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Thủ đô.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng Hà Nội, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Vụ bắt lô thuốc tân dược nhập lậu hồi tháng 11/2020 của lực lượng chức năng Hà Nội |
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của dịch vụ công nghệ thông tin cùng với nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường mạng internet gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Người tiêu dùng có xu hướng thích sử dụng các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nổi tiếng với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả của người dân còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với các cơ quan chức năng vẫn còn chưa được thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Hà Nội vẫn còn tồn tại khó khăn, bất cập như: Một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.
Trong đó, Hà Nội sẽ đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xác định làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu....