“Siết” kiểm soát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính
Hàng trăm tấn hàng lậu “tuồn” qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh |
Ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bưu chính Việt Nam có khoảng 550 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động hợp pháp.
Theo ông Trí, thời gian qua, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, để kiểm tra, đánh giá và xử lý các vụ việc vi phạm hiện nay còn vướng không ít những khó khăn do bất cập của quy định hiện hành.
Hiện nay, hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại kho hàng của doanh nghiệp bưu chính, kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, kho hàng của các công ty logistics, sau đó sử dụng dịch vụ bưu chính để chuyển đến khách hàng. Mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…
Hàng nghìn sản phẩm nhập lậu trên xe chuyển phát nhanh Viettel Post bị phát hiện ở Lạng Sơn hồi tháng 9/2020 |
Một số vụ việc phát hiện doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát qua mạng bưu chính như vật phẩm nghi là ma túy; pháo. Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa/hành khách không có giấy phép bưu chính nhưng vẫn vận chuyển bưu gửi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn an ninh cho bưu gửi, cho xe, cho người lao động…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bưu chính còn có tình trạng tráo đổi bưu gửi chứa hàng hóa có giá trị thành những sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại cho người sử dụng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bưu chính còn có tình trạng hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá sâu thông qua các chương trình khuyến mại kéo dài, gây bất ổn thị trường bưu chính.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bưu chính cũng thừa nhận tình trạng nhiều đối tượng hiện nay lợi dụng vận chuyển hàng hóa qua bưu chính có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để qua mắt cơ quan chức năng, có người gửi hàng lợi dụng kẽ hở để gửi hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính như hàng hóa được tách rời thành nhiều thành phần và kê khai vận đơn không đúng. Đặc biệt, là việc gửi hàng hóa thương mại điện tử không cho phép người tiếp nhận không cho kiểm tra, đặc biệt hàng hóa xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp bưu chính cũng cho rằng, khả năng phát hiện bưu gửi vi phạm hàng cấm gửi của nhân viên bưu chính (nhất là người lao động trực tiếp làm việc tại các khâu chấp nhận, khai thác) rất khó khăn do các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi nhân viên bưu chính ko có công cụ, trang thiết bị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng cấm.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thu giữ, xác định, giám định tình trạng pháp lý hàng gửi (nhất là bưu gửi có chứa vật nghi là ma túy) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Hải quan, Công an…) thường mất nhiều thời gian; ảnh hưởng đến chất lượng toàn trình bưu gửi, dẫn đến việc doanh nghiệp bưu chính ít nhiều có tâm lý e ngại trong chủ động phối hợp, thông báo với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ bưu gửi chứa hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Công thương cũng cho rằng cần có quy chế để doanh nghiệp bưu chính chấp hành quy định. Cần phải làm rõ hơn về điều kiện chuyển phát hàng gửi để doanh nghiệp bưu chính vận chuyển hàng hóa và yêu cầu chung về quy trình tiếp nhận để đảm bảo hàng hóa lưu thông kịp thời.
Ông Vũ Hùng Sơn - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, việc sửa các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính là cần thiết, tuy nhiên trong lúc chờ sửa các quy định thì việc tăng cường kiểm soát là quan trọng.
Theo ông Sơn, cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn lợi dụng mạng lưới bưu chính để gửi hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, để phòng ngừa các hành vi vi phạm liên quan đến việc chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi là hàng lậu, hàng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, các doanh nghiệp bưu chính cần đề nghị người gửi mang hàng hóa đến đóng gói bằng các hộp chuyên dụng của đơn vị, để kết hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặp kịp thời các loại hàng hóa cấm gửi.
Trước những thực trạng ngày càng tinh vi, Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu doanh nghiệp bưu chính tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, đồng thời thông tin về việc phối hợp xử lý của với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan; hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả, hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...