Lắng nghe những đứa trẻ 'hư'... mở lòng
Phát động cuộc thi về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em Chú trọng hơn nữa công tác giáo dục kỹ năng PCCC cho trẻ em Cần thiết phải bảo vệ trẻ em trên không gian mạng |
Đây là một trong những hội nghị quan trọng được Công an quận (CAQ) Hà Đông tổ chức ngày 25/4, trên cơ sở báo cáo và được sự chỉ đạo, chuẩn y của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và Quận Hà Đông - hướng đến mục tiêu cao nhất là vì sự bình yên của con trẻ. Hội trường hơn 300 chỗ của CAQ Hà Đông không còn chỗ trống.
“Trách nhiệm của người lớn là hết sức quan trọng, để con trẻ ngoan và an toàn trước những mặt trái của xã hội", Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng CAQ Hà Đông chia sẻ tại buổi toạ đàm |
Buổi gặp gỡ đặc biệt có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân quận; hơn 40 cơ sở giáo dục trên địa bàn quận; Trung tâm Trợ giúp Pháp lý ( Sở Tư pháp Hà Nội), lãnh đạo UBND 17 phường...
Những chia sẻ “mở lòng”…
Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 23 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên, với 68 trường hợp đang là học sinh. Tổng kết thấy chủ yếu vi phạm là do nhận thức còn hạn chế, thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, và những mặt trái của mạng xã hội…
Em B.C Đ (SN 2007, phường Phú Lương) kể lại chuyện, năm 2022, trong một lần thách thức trên facebook đã rủ thêm 26 bạn mang theo hung khí để đi đánh nhau. Sau vụ việc, cả 2 nhóm gồm 48 người đã bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Hiện Đ cho biết đã được CAP Phú Lương, chính quyền địa phương và gia đình giúp đỡ hòa nhập cộng đồng.
Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự CAQ Hà Đông cho biết, cháu Đ cũng nhận ra bài học đắt giá với sự bồng bột của tuổi trẻ khi vì chuyện không đáng mà vi phạm pháp luật và đến nay đã tiến bộ rất rõ…
“Đó không chỉ là bài học của riêng cháu mà tất cả các bạn ngồi đây hay trong lứa tuổi cần hiểu rằng, tuổi trẻ cần phấn đấu, học hành; đừng vì chuyện thanh niên “con gà tức nhau tiếng gáy” mà rủ rê thêm cả bạn bè vi phạm pháp luật. Những chuyện trên mạng xã hội đều qua rất nhanh, cần tỉnh táo nhận thức rõ”, chỉ huy CAQ Hà Đông chia sẻ suy nghĩ, mong muốn với không chỉ cháu Đ.
Thanh thiếu niên đã tâm sự những bài học của mình và những tâm tư nguyện vọng |
Một trường hợp khác, em N.K.K (đang là học sinh một trường cao đẳng); bộc bạch về hoàn cảnh gia đình khó khăn, phức tạp, không được sống cùng bố mẹ nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc. K giao du với nhóm bạn xấu, thường xuyên bỏ học chơi game, đua đòi hút thuốc lá điện tử.
Vì không có tiền để chơi game và mua thuốc lá điện tử nên khi bạn xấu rủ đi trộm xe máy để lấy tiền tiêu, K đã đồng ý. Sau khi có hành vi vi phạm pháp luật, K. đã đến Công an phường Mộ Lao đầu thú. Do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự K được công an cho gia đình bảo lãnh về. K chia sẻ luôn cảm thấy có lỗi, mặc dù đã được mọi người tha thứ và tạo điều kiện sửa đổi. Tự răn mình không bao giờ bước vào con đường ấy nữa, K băn khoăn: “Với hành vi trộm cắp tài sản như cháu sẽ bị xử lý như thế nào và hậu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với lứa tuổi của chúng cháu?”.
Đại diện đội nghiệp vụ CAQ Hà Đông đã giải thích cặn kẽ về các lứa tuổi, mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, các thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng bán thuốc lá điện tử có ma túy và nhấn mạnh thông điệp “Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử dưới mọi hình thức”.
Đồng chí Trần Kim Dung, Trưởng phòng Pháp luật hành chính – hình sự, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý ( Sở Tư pháp Hà Nội) chia sẻ thêm các quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự và hiện trạng có không ít người dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật, và khuyến cáo: “Các cháu phải luôn suy nghĩ rằng không được vi phạm pháp luật, chứ không được nghe đối tượng xấu rủ rê, xui dại là chưa đến tuối chịu trách nhiệm hình sự”.
Hoàn cảnh giống K hiện nay không ít. CAQ Hà Đông gửi gắm thông điệp mong các bậc phụ huynh thật sự quan tâm tới con, em; nắm bắt tâm sinh lý, các biểu hiện bất thường, chia sẻ để lực lượng công an, chính quyền cơ sở quan tâm “nắn lại suy nghĩ, định lại con đường” đúng cho các cháu bởi chỉ một phút lơ đễnh, tương lai phía trước của các em sẽ nhiều khó khăn.
Tâm sự của cô gái trẻ |
Cô gái V.V.L (Sinh năm 2005, phường Dương Nội) thì tâm sự chuyện mình năm 2019 nghe bạn xấu rủ rê vi phạm pháp luật và bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông xử phạt 18 tháng tù treo, 36 tháng thử thách về tội cướp giật tài sản. Đến nay L đã chấp hành xong án treo. L hỏi: “Cháu cần làm gì để được xóa án tích, hòa nhập cộng đồng”.
Sau khi đội nghiệp vụ CAQ giải thích, hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục cần thiết cho cháu L. Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền một lần nữa chia sẻ thân tình: “Bài học quá đắt với tuổi trẻ. Giá như các cháu đều biết điểm dừng, để đừng phí hoài thanh xuân. Các cháu cần nhận thức rõ vấn đề này. Vài phút bốc đồng sẽ phải trả giá rất đắt. Không chỉ các cháu, gia đình và người thân cũng sẽ rất dằn vặt, đau khổ”.
Phụ huynh "học" được gì?
"Có những trường hợp sau khi vi phạm pháp luật bị Tòa kết án phải nghỉ học, nay tha thiết mong đi học trở lại", chỉ huy CAQ Hà Đông cho rằng, nguyện vọng này là chính đáng, rất cần các cấp chính quyền quan tâm. Hồi đáp, lãnh đạo Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Hà Đông khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các cháu có quá khứ lầm lỡ, để giúp các cháu được học hành tử tế, có nghề nghiệp ổn định.
Đã từng có quá khứ “không đẹp”, L.T.Đ tâm sự mình từng là học sinh cá biệt, nghịch ngợm, không nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo, thường tụ tập chơi với một số bạn xấu, bỏ bê học hành, tham gia gây rối trật tự công cộng nên đã vi phạm pháp luật. Với những nỗ lực của bản thân Đ, sau khi học hết cấp ba, Đ đã thi đỗ 3 trường đại học, cháu đã chọn Trường cao đẳng nghề bách khoa – khoa công nghệ thông tin vì cháu thích học về công nghệ thông tin và học trường này khi ra trường cháu có kiến thức về nghề để có thể đi làm lo cho bản thân, phụ giúp bố mẹ và gia đình".
Nhiều bạn trẻ chủ động "mở lòng" |
Chuyện của Đ làm cả hội trường lặng đi. Không ít các bậc phụ huynh và các thanh thiếu niên nhận ra rằng “không có gì là không thể thay đổi được” nếu biết lắng nghe và tự mình phấn đấu, nỗ lực, vươn lên”.
Ông L.T.L bố của Đ xúc động gửi lời cảm ơn lực lượng công an, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo đã giúp đỡ con mình vượt qua lỗi lầm để trưởng thành thật sự. Ông L nói: “Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng vì mưu sinh cuốn lấy chúng ta, mỗi gia đình nên dành thời gian quan tâm, giáo dục, quản lý con tốt hơn, hãy là bạn với con các bác ạ. Khi con mắc lỗi hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, gần gũi, tâm sự động viên con. Hãy nhìn nhận lỗi của con cũng một phần lỗi, trách nhiệm của bậc phụ huynh chúng ta…”.
Nhiều bài học đắt giá đã được chia sẻ tại buổi đối thoại |
Bà T.T.T.X thì nêu chuyện không hiếm gặp hiện nay. Bà là phụ huynh của một thanh niên đã gây ra tại nạn giao thông làm chết người khi không đủ tuổi được phép đi xe máy trên 50cc. Với sự giúp đỡ, quan tâm của lực lượng công an, con bà đã vượt qua mặc cảm và thi đỗ đại học.
Bà X chia sẻ: “Sự việc xảy ra như vậy một phần lỗi của gia đình khi đã cho con điều khiển xe máy khi cháu chưa đủ tuổi. Đây không chỉ là bài học của riêng con tôi, gia đình tôi mà còn dành cho các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc”…
“Những câu chuyện rất điển hình hôm nay vừa mang tính cảnh báo, vừa giúp cho mỗi thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh ở đây đều sẽ, có bài học cho riêng mình nhất là với các cháu có nguy cơ vi phạm pháp luật. Tôi tin rằng, các cháu và các bậc phụ huynh sẽ rời khỏi đây với tâm lý tích cực hơn, bước chân không còn nặng nề. Mong rằng chúng ta sẽ luôn gặp nhau trong hoàn cảnh vui vẻ. Sự trưởng của các cháu chính là niềm vui đặc biệt cho chúng tôi...", đồng chí Trưởng CAQ Hà Đông nhấn mạnh, và khẳng định quyết tâm lớn của CAQ sẽ liên tục, quyết liệt, để "xã hội ngày càng ít đi những đứa trẻ "hư".