Kỳ vọng tín dụng tăng mạnh sau khi 2 dự án luật quan trọng được thông qua

Nếu kỳ tháng 10 này, Quốc hội phê chuẩn Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), theo đó cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn sẽ tăng lên...
Kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về tín dụng, hấp thụ vốn Kiểm soát tín dụng vào bất động sản đầu cơ, nhu cầu ảo

Chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 30/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bám rất sát tình hình, chủ động điều hành với liều lượng và thời điểm hợp lý.

Trước yêu cầu giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong khi đó gần đây chỉ số USD tăng trở lại mức 106 nên có thời điểm tỷ giá đã tăng 3,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, với việc điều tiết tiền tệ thông qua các công cụ, giải pháp thị trường tiền tệ, tỷ giá hiện nay còn tăng 3% so với đầu năm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến để chủ động điều hành phù hợp.

Thống đốc cho biết, đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, với tín hiệu phục hồi của sản xuất, kinh doanh, và thường những tháng cuối năm tín dụng tăng cao, tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đối với gói 120.000 tỷ đồng, đây là gói tín dụng từ nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại để góp phần thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đến thời điểm này đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng đã giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.

Kỳ vọng tín dụng tăng mạnh sau khi 2 dự án luật quan trọng được thông qua
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp.

"Nếu kỳ tháng 10 này, Quốc hội phê chuẩn Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), theo đó cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng lên", Thống đốc nhận đinh.

Đối với các nhiệm vụ khác, trong đó có thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện các đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nêu một số kiến nghị để tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.

Thống đốc cho rằng, lạm phát có xu hướng tăng liên tục trong 3 tháng qua, cùng với rủi ro về giá dầu, giá lương thực, tăng lương trong năm 2024 là những yếu tố cần được theo dõi sát, đánh giá kỹ lưỡng, đặc biệt là chính sách quản lý giá (tính toán mức độ, thời điểm phù hợp, lưu ý tác động vòng 2).

Do vậy, cần có các giải pháp chính sách tổng thể, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách bền vững, xuyên suốt.

Theo Thống đốc, hiện nay tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế vẫn còn thấp, có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra ở nhiều hội nghị do lãnh đạo Chính phủ chủ trì như đơn hàng giảm, doanh nghiệp không có đầu ra.

Do đó cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khai thác cầu nội địa; vướng mắc thủ tục pháp lý về đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản, cần tập trung tháo gỡ.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong điều kiện bình thường cũng khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn.

"Các ngân hàng dù rất tạo điều kiện nhưng tiền cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng là tiền gửi của người dân, nên đòi hỏi đảm bảo cho vay có khả năng thu hồi nợ theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng", Thống đốc bày tỏ và đề xuất để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có các giải pháp đồng bộ như tăng cường bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động