Kinh tế Hà Nội “vững bước” đi qua đại dịch
Năm 2021, Hà Nội siết chặt kỷ cương với tinh thần đổi mới, sáng tạo Kinh nghiệm "vượt khó" của Hà Nội trong đại dịch Covid-19 |
“Điểm sáng” kinh tế cả nước
Có thể khẳng định rằng, năm 2020 đối với Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và cả thế giới là một năm gian khó, phần lớn thời gian là “cuộc chiến” với Covid-19, thứ dịch bệnh đã gieo rắc nỗi kinh hoàng với cả những quốc gia có nền kinh tế siêu cường như Trung Quốc, Mỹ…
Không những vậy, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt; Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Trong nước, ngoài dịch bệnh, thiên tai hoành hành… làm chuỗi cung ứng đứt gãy khiến kinh tế Hà Nội đối mặt với nhiều mối nguy.
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả quan trọng, toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, thu ngân sách của Hà Nội năm 2020 đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn đứng trong top đầu của cả nước; Tình hình dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây...
Nhiều công trình, dự án kịp hoàn thành để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng. Ảnh: Hoàng Duy |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 “tàn phá” nặng nề, lãnh đạo phải lao tâm khổ tứ, doanh nghiệp thì phải căng mình chống chọi, kinh tế Thủ đô có lúc rơi vào khủng hoảng nhưng lại nhanh chóng hồi phục, bật tăng theo hình chữ “V” theo đúng mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Cụ thể, trong quý I/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 4,43%, quý II là quý chịu tác động nặng nhất của dịch Covid-19, nên tăng 2,41%, quý III phục hồi tăng trưởng đạt 3,31% và quý IV tăng trưởng mạnh đạt 5,77%. Tính chung GRDP của Hà Nội cả năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước.
“Dù tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt mức thấp so với kế hoạch nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tàn phá nặng nề thì cũng là một điểm sáng của cả nước. Với tinh thần chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, người dân và doanh nghiệp, Hà Nội vẫn bước đi qua giông bão, đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận.
Định vị “chất xúc tác” cho Thủ đô
Hà Nội là Thủ đô và cũng là địa phương có quy mô nền kinh tế lớn, hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực, thế giới, nên cũng là nơi sớm chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2020, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Vì một Hà Nội hòa bình - thịnh vượng. Ảnh: Hoàng Duy |
Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo Hà Nội đã lựa chọn trúng, đúng những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những chỉ đạo đã tạo sự đồng lòng, đoàn kết, phát huy được phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ Thủ đô.
Một minh chứng khác cho tính trúng và đúng của lãnh đạo Hà Nội là việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” vào tháng 6/2020, ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hội nghị đã thu hút 229 dự án với số vốn trên 400.000 tỷ đồng, tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. “Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo thành phố Hà Nội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá như vậy.
Năm 2020 là điểm sáng của cả nước nên bước sang năm 2021, Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố đề ra mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế.
Theo đó, năm 2021, Hà Nội đã đề ra 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; Vốn đầu tư xã hội tăng 12%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%...
Hiện tại, trong bối cảnh thế giới vẫn chưa chính thức có vắc xin ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng Hà Nội vẫn đề ra các chỉ tiêu khá cao một lần nữa cho thấy sự tự tin, quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của tất cả người dân và doanh nghiệp để cùng một Thủ đô thịnh vượng.
“Cuộc chiến lớn” với Covid-19 đã cho Hà Nội bài học kinh nghiệm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, và rõ ràng là tinh thần quyết tâm vượt qua gian khó, đồng lòng cần tiếp tục được phát huy để tạo lực đẩy cho năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.