Không khó để tăng tín dụng 16%, vấn đề là sử dụng vốn hiệu quả
Phó Thống đốc: Tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Phó Thống đốc: Tín dụng cả năm 2024 tăng trưởng 15,08% |
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết như vậy tại Hội thảo sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 28/2.
Theo ông Lệnh, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đang tập trung vào 3 việc: Chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất tốt, tiết giảm chi phí đầu vào, đơn giản thủ tục cho vay, giải ngân hiệu quả và làm tốt công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Ông Lệnh cũng cho biết, tổng số tiền đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi để tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn cao hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm ngoái (510.000 tỷ đồng).
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng nói thêm, về mặt cơ chế, chính sách hiện nay đã có; các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều gói cho vay phù hợp, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu, ngành lương thực, cà phê được hưởng lãi suất ưu đãi vì đây là những ngành hiệu quả, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng cần xem xét nguyên nhân cụ thể của từng vấn đề, nguyên nhân đến từ đâu để tháo gỡ, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định, nguyên tắc tín dụng nhằm bảo đảm an toàn tín dụng, tránh phát sinh thêm nợ xấu.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh. |
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dưới góc độ quản lý và điều hành, việc sử dụng hiệu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế năm nay đạt trên 8% và kỳ vọng tới đây đạt mức hai con số là hoàn toàn có khả năng, đây cũng là chủ trương, định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Tú, để đạt được những kết quả này không chỉ đòi hỏi cần tới giải pháp toàn diện của các ngành, các cấp địa phương mà còn cần tới sự chung tay của toàn thể hệ thống chính trị, các cá nhân và doanh nghiệp trực tiếp tham gia.
Ông Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ "bơm" ra thị trường khoảng 2,5 triệu tỷ đồng tương dương 16% mức tăng trưởng tín dụng của năm. Theo đó, nếu mức tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra là 10% thì tín dụng tăng 20% tương ứng với hơn 3-3,2 triệu tỷ đồng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8%, hướng đến 10% trở lên sẽ là một nhiệm vụ đầy thử thách đối với ngành ngân hàng.
Bởi lẽ, nguyên lý cơ bản muốn tăng trưởng thì phải mở rộng đầu tư, muốn mở rộng đầu tư thì trước hết phải có nhiều nguồn lực, trong đó phải có tiền. Vốn bằng tiền thì nhiều năm qua chủ yếu là dựa vào tín dụng ngân hàng.
Trong suốt nhiều năm qua, với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngành ngân hàng rất quyết liệt, có nhiều cải cách. Các ngân hàng ứng dụng công nghệ rất nhanh vào hoạt động tín dụng, giúp giảm chi phí rất nhiều so với trước đây.
Các ngân hàng luôn đóng vai trò “bà đỡ" cho nền kinh tế trong vấn đề cung ứng vốn, nhất là khi thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… chưa phát triển như mong muốn.
"Vốn ngân hàng là vốn bổ sung cho vốn lưu động, vốn ngắn hạn. Bản thân ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại phải cho vay trung dài hạn, thay cho thị trường vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, phương thức huy động và sử dụng vốn tín dụng không phải là yếu tố, là phương thức duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Hiện nay có nhiều phương thức hiện đại hơn thay vì chỉ gửi tiết kiệm, như đầu tư chứng khoán, vào sản xuất kinh doanh… Với nhu cầu thêm 2,5 triệu tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế, chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
Về lãi suất, 2 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn nỗ lực trong công tác điều hành, giữ mức lãi suất ổn định, hiện nay chỉ số, hệ số an toàn được hầu hết các ngân hàng thương mại sử dụng tối đa.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên như đầu tư, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, đặc biệt tập trung cho tín dụng tiêu dùng như mua nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.