Không gian công cộng: Nét đặc trưng của Hà Thành
Xe buýt vẫn là phương tiện công cộng chủ đạo |
Khác lạ từ những không gian công cộng
Với những giá trị văn hóa nghìn năm lịch sử, có thể thấy, Hà Nội không chỉ có những khác biệt trong văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân, mà ngay trong sự phát triển của xã hội hiện đại, việc đầu tư phát triển hạ tầng, khu đô thị… cũng cho thấy điểm khác biệt rất lớn. Chỉ lấy một vài so sánh nhỏ giữa Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một trong những thành phố năng động nhất cả nước có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai thành phố này đó chính là những không gian công cộng.
Công viên Hòa Bình một trong những không gian công cộng được xây dựng cùng với sự phát triển của khu đô thị mới. |
Nếu như ở TP Hồ Chí Minh, người dân dễ dàng bắt gặp những tòa cao ốc lớn, khu công nghiệp hiện đại, các điểm vui chơi, giải trí mang tính chất “công nghiệp” tràn lan; ngược lại, Hà Nội lại nhẹ nhàng và lắng đọng bởi những giá trị văn hóa cổ kính, bởi những không gian công cộng đặc trưng, trong đó các công việc cây xanh tạo bóng mát, các hồ chứa nước giữa lòng thành phố…đã tạo nên một Hà Nội khác lạ, đặc trưng.
Anh Tuấn, một người dân sống tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) từng nhiều lần ra Hà Nội chia sẻ, điểm khác biệt và dễ nhận thấy nhất giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đó chính là sự phát triển các khu đô thị. Cũng giống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều các khu đô thị mới, hiện đại.
Tuy nhiên, nếu như ở Hà Nội hầu hết khi thiết kế các khu đô thị, cơ quan chức năng đều dành diện tích để xây dựng các công viên, các hồ chứa nước tạo cảnh quan thiên nhiên gần gũi, bên vững để người dân sống và phát triển, thì ngược lại, TP Hồ Chí minh hầu như các khu đô thị chưa làm được điều này, đó chính là sự khác biệt lớn và dễ nhận thấy nhất.
“Những công viên cây xanh, các hồ nước giữa công viên…được xây dựng không chỉ giúp người dân thành phố Hà Nội cảm thấy dễ chịu vào mùa hè oi bức, mà còn tạo nên sự thơ mộng, sự lắng đóng để nhiều người tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống hối hả của phố thị”, anh Tuấn cho hay.
Cùng chung quan điểm với anh Tuấn, không ít người dân ở các thành phố lớn khi đặt chân đến mảnh đất Thủ đô đều có chung nhận định, trong sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội luôn dành những quỹ đất “vàng” để đầu tư phát triển các địa điểm vui chơi công cộng như: Công viên, vườn hoa, hồ nước…việc xây dựng nhiều không gian công cộng, hay tạo ra những chiếc hồ nhân tạo lớn giữ lòng thành phố, một phần là do lịch sử để lại, nhưng một phần cũng là do đường lối, chính sách phát triển và sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội đối với nhu cầu giải trí và thụ hưởng của người dân Thủ đô.
Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành…trong việc kiên trì mục tiêu xây dựng TP Hà Nội trở thành một trong những đô thị “xanh, sạch, văn hiến, văn minh và hiện đại”, đồng thời tạo ra môi trường sống tốt hơn, đáng sống hơn cho người dân Thủ đô...
Để người dân cùng được thụ hưởng
Có thể thấy, các không gian công cộng nằm xen kẽ giữa những khu đô thị mới hiện đại, không chỉ tạo ra những cảnh quan lãng mạn, mà còn tạo ra một không gian sống, một môi trường sống tốt hơn, bền vững hơn cho người dân Thủ đô. Dạo một vòng quanh thành phố, không khó để người dân chiêm ngưỡng được những không gian công cộng hiện đại, xen lẫn cổ kính của thủ đô như: Hồ Gươm; Hồ Tây; công viên Bách thảo; công Thủ Lệ; bán đảo Linh Đàm…
Bên cạnh những khu vực công viên, hồ nước công cộng tưởng như xưa cũ ấy, người ta dễ dàng nhận thấy những nét mới, những điểm không gian công cộng mới ở những khu vực mở rộng, ở những dự án khu đô thị hiện đại như: Công viên hồ điều hòa (quận Thanh Xuân); công viên Dịch Vọng (Cầu Giấy); công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm)… hay xa hơn nữa, một trong những công viên, khu vui chơi công cộng ngoại thành Hà Nội được người dân chờ đợi đó chính là công viên văn hóa, kết hợp khu vui chơi giải trí Kim Quy với diện tích lên đến hơn 100ha (ở Đông Anh)… theo chia sẻ của lãnh đạo TP Hà Nội, dự án công viên Kim Quy sẽ là một dự án mở rộng không gian công cộng, trong chương trình mục tiêu xây dựng 25 công viên của Thủ đô đến năm 2020.
Khi đưa vào sử dụng dự án công viên Kim Quy được kỳ vọng, sẽ giúp người dân tiếp cận với các hình thức vui chơi giải trí tiên tiến hàng đầu thế giới, bảo đảm môi trường sinh thái cho nhân dân chung quanh khu vực; tạo điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi tới Hà Nội, cũng như đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô. Qua đó, tạo cho người dân Thủ đô được hưởng thụ các giá trị văn hóa, lợi ích từ dịch vụ công cộng hiện đại một cách công bằng nhất.
Với sự đầu tư xây dựng mạnh mẽ không gian công cộng cho người dân Thủ đô, chị Nguyễn Thị Vân ở xã Vân Hà (huyện Đông Anh) cho biết, trong sự phát triển của xã hội hiện đại, việc thành phố ưu tiên phát triển các khu vực không gian công cộng không chỉ tạo ra những khu vực vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao… cho người dân, mà còn tạo ra được những giá trị văn hóa đặc sắc, giúp người dân xích lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng công viên Kim Quy ở Đông Anh, thì cũng cần nhiều hơn các khu vực, không gian công cộng ở ngoại thành Hà Nội để người dân cùng được thụ hưởng.
Trước những nỗ lực của Thủ đô Hà Nội trong việc tạo ra các điểm vui chơi công cộng, các công viên, hồ nước giữa thành phố cho người dân, các chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, đó là nỗ lực rất lớn nhằm đảm bảo sự hài hòa trong quá trình phát triển Thủ đô hiện đại, hướng đến việc phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để phát huy hết được hiệu quả của các công viên, các khu vực công cộng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng công viên hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, thì việc đầu tư xây dựng các công viên hiện có theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập… có vai trò hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt hơn nữa về vấn đề liên quan đến quản lý, qua đó, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xuống cấp và quản lý chồng chéo hiện có. Để làm được điều đó, rất cần xây dựng một chế tài xử lý thống nhất, nghiêm minh… vì mục tiêu đưa hệ thống công viên, vườn hoa phát triển một cách bền vững đi cùng với sự phát triển chung của đô thị.