"Hà Nội đáng sống là khi có nhiều không gian dành cho cộng đồng"
Hà Nội cần nhiều hơn những không gian công cộng
- PV: Thưa anh, mới đây, TP Hà Nội đã quyết định di dời 9 cơ sở nhà đất để mở rộng các không gian xanh, không gian công cộng, trong đó có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Là người dành nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đô thị, bảo tồn di sản, hẳn anh rất vui khi nghe thông tin đó?
- KTS Phạm Trung Hiếu: Như bạn thấy, Hà Nội đang thực sự thiếu không gian công cộng nên quyết định di dời các cơ sở công nghiệp cũ để mở rộng không gian xanh cho người dân là quyết sách vô cùng đúng đắn của chính quyền TP. Tôi cho rằng, đó là quỹ đất cuối cùng của thành phố để dành cho cộng đồng và chúng ta phải sử dụng sao cho thật hiệu quả.
Dưới góc nhìn của di sản, những nhà máy cũ này có giá trị đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, xã hội. Việc tái thiết và chuyển đổi di sản công nghiệp là hết sức cần thiết và phù hợp. Trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu quỹ đất để xây dựng các không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, thay vì đập bỏ, xây dựng những cao ốc hiện đại, các đại đô thị hay chung cư cao tầng, thành phố nên tận dụng, cải tạo, tái sử dụng một phần hoặc toàn bộ các cơ sở công nghiệp này thành các không gian sáng tạo, điểm du lịch hay các trung tâm nghệ thuật, giải trí hấp dẫn. Như vậy, những ký ức về Hà Nội sẽ tiếp tục được lưu giữ, trở thành bằng chứng sống động cho các giai đoạn phát triển của Thủ đô. Các không gian sáng tạo cũng là cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hóa, là nhân tố thúc đẩy sự tương tác, liên kết giữa con người với thành phố.
KTS Phạm Trung Hiếu |
- PV: Được biết, anh cùng các cộng sự đang thực hiện dự án thiết kế cải tạo Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Tại sao anh lại chọn 3 cơ sở trên mà không phải là những nhà máy cũ khác ở Hà Nội?
- KTS Phạm Trung Hiếu: Trước hết, cần phải thấy rằng, Hà Nội có rất nhiều nhà máy cũ có thể coi là di sản công nghiệp mà chúng ta có thể biến nó thành không gian công cộng thật sự hữu ích.
Tôi chọn Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, bởi lẽ, đây là điển hình của một di sản công nghiệp lớn có diện tích tới 203.000m2. Nơi đây gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đã được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ từ khoảng năm 1980, được thiết kế theo đặc thù của đường sắt. Nó lớn đến mức mà chúng ta không thể chỉ biến nơi đây thành duy nhất 1 công trình bảo tàng mà phải thành không gian văn hóa phức hợp. Vì thế, trong dự án này, tôi sẽ cải tạo Nhà máy thành tổ hợp với 3 công năng chính: Thứ nhất là Bảo tàng đường sắt vì đây là điển hình cho công nghiệp đường sắt ở Việt Nam; Thứ hai là không gian công cộng, khôn gian sáng tạo để công chúng trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật; Thứ ba là tôi tận dụng hồ nước sẵn có, biến một phần diện tích thành công viên cây xanh.
Quan điểm của tôi là, với một cơ sở nhà máy cũ có diện tích lớn thì nên trở thành một quần thể không gian bao gồm nhiều công trình, trong đó có cả hạng mục để bảo tồn như nhà xưởng để không bị lãng phí. Những chỗ không còn giá trị thì phá đi, xây dựng công trình mới, phù hợp với cuộc sống đương đại, có chỗ thì cải tạo thành cảnh quan cây xanh, đóng góp cho không gian xanh của Hà Nội – điều mà đang vô cùng thiếu ở Thủ đô hiện nay.
- PV: Anh có thể nói rõ hơn về mô hình Bảo tàng đường sắt trong không gian của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong tương lai?
- KTS Phạm Trung Hiếu: Tại sao phải là Bảo tàng đường sắt? Vì tôi cho rằng, con người chính là ký ức của nhà máy đó, vùng đất đó mà chúng ta đều phải giữ lại và đó chính là hạng mục phải bảo tồn của một di sản công nghiệp. Một dấu ấn đô thị có thể ghi dấu bằng vật chất, kiến trúc, còn phần ký ức đô thị là những người hoạt động, là những công nhân từng làm việc ở đó để nhà máy đó, mảnh đất đó không bị lãng quên. Trong đó có thể có phòng truyền thống, phòng trưng bày về nhà máy. Bảo tàng đường sắt có nhiệm vụ lưu giữ ký ức của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, như vậy là có cả sự kế thừa về vật chất và tinh thần.
Tôi chọn Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vì tôi cho rằng đó là không gian sáng tạo, không gian công cộng có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất do nằm ở vị trí đầu mối của ngành đường sắt. Mạng lưới giao thông đường sắt sẽ lan tỏa được các sản phẩm nghệ thuật. Đây cũng là không gian sáng tác các tác phẩm nghệ thuật của tác giả chuyên nghiệp và nghiệp dư. Công chúng cũng dễ dàng tìm đến đây.
Mô hình cải tạo Nhà máy Xe lửa Gia Lâm |
Concept Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau cải tạo |
Không phải cái gì cũng giữ lại để bảo tồn
- PV: Vậy còn Nhà máy Bia Hà Nội và Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, anh dự tính sẽ cải tạo như thế nào để thành những không gian công cộng?
- KTS Phạm Trung Hiếu: Trong quá trình phát triển công nghiệp, Nhà máy Bia Hà Nội đã bị xâm hại cấu trúc gốc và sửa chữa nhiều lần. Đây là ca điển hình của một cơ sở công nghiệp chật chội và đan xen. Chúng tôi đang thiết kế nơi đây trở thành không gian ẩm thực Âu - Á. Người dân có thể tới thưởng thức bia, qua đó tìm hiểu văn hóa ẩm thực của Châu Âu và Việt Nam. Vì diện tích hẹp, cấu trúc lại đan xen cũ – mới nên việc giữ gì, bỏ gì và đảm bảo quỹ đất để cân bằng lối sống cho người dân Hà Nội là thách thức đối với tôi.
Concept Nhà máy Bia Hà Nội sau khi cải tạo |
Riêng Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trước mắt, chúng tôi tập trung vào giải quyết vấn đề môi trường; Phân vùng khu cháy và cải tạo nước, phải xem những khu cháy đó, nước ngấm vào lòng đất như thế nào và nếu có thì phải cải tạo đất ra sao. Phần còn lại biến thành khu công nghệ sinh học với tổ hợp chức năng riêng,…
Nói chung, quan điểm của tôi là không phải cái gì cũng nhất thiết giữ lại. Có một số thứ là di sản thì cần bảo tồn nhưng có những phần phải cải tạo để thích ứng, biến nó thành không gian phục vụ cộng đồng.
Tôi rất quan tâm tới giá trị truyền thống nhưng chưa bao giờ nghĩ một cách cứng nhắc là phải lưu giữ cái gì đó khi không thật cần thiết. Nhìn ngôi đình, ngôi chùa, tôi thấy vẻ đẹp nhưng không say mê nó đến phát cuồng. Nhiều người cứ nhìn thấy gì cũng nghĩ đến bảo tồn nhưng chúng ta bảo tồn để phát triển chứ không phải tụt hậu.
PV: Được biết, anh và các cộng sự cũng từng đoạt giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế xây dựng Cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm và nhiều giải thưởng quốc tế cũng liên quan đến kiến trúc Thủ đô. Vì sao anh dành nhiều tâm huyết cho kiến trúc đô thị Hà Nội như vậy?
- KTS Phạm Trung Hiếu: Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ Lãn Ông. Có lẽ, vì vậy, tôi có tình cảm đặc biệt với Hà Nội. Những nghiên cứu về kiến trúc đô thị của tôi cũng xoay quanh Hà Nội. Đồ án tốt nghiệp Đại học Kiến trúc của tôi năm 1997 có tên “Phố Phái xưa & nay” được giải thưởng trong nước và quốc tế. Học Đại học Kiến trúc, ra trường và ở lại trường giảng dạy, tôi tiếp tục theo học cao học Pháp ngữ chuyên ngành “Thiết kế đô thị với Di sản & Phát triển bền vững” nghiên cứu về mối liên hệ giữa yếu tố văn hóa và những đổi thay của hình thái kiến trúc đô thị Hà Nội. Năm 2014 tôi cũng tham gia cuộc thi thiết kế “Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”. Đồ án có tên “Dòng sông cổ” của nhóm chúng tôi đã lọt Top 6 đồ án được trưng bày lấy ý kiến công chúng.
Tôi tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, cuộc thi kiến trúc, mong được dùng kiến thức có được để đóng góp cho Hà Nội những ý tưởng và quan điểm trong công cuộc bảo tồn và phát triển thành phố.
PV: Những dự án về chuyển đổi công năng các nhà máy cũ mà anh và cộng sự đang làm là “đơn đặt hàng” của thành phố?
Không, chúng tôi tự nghiên cứu, khảo sát và triển khai, tình nguyện làm như một sự gợi mở hướng đi và tầm nhìn về không gian công cộng, không gian xanh ở đô thị. Thành phố đang phải “oằn mình” trước nhiều sức ép như phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở, chung cư… khiến không gian công cộng ngày càng thu hẹp, thậm chí nhiều công viên rơi vào tình trạng “có cũng như không”. Tôi cho rằng, một Hà Nội đáng sống phải là một Hà Nội có nhiều không gian dành cho cộng đồng.
- PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo khảo sát của Tổ chức Thành phố sống tốt (Health Bridge), Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Trong khi đó, quy chuẩn tiêu chuẩn ngành Xây dựng đặt ra là 2m2 cây xanh/người, đối với đô thị đặc biệt là 7m2 cây xanh/người. |