Không giảm 2% thuế VAT cho bất động sản, chứng khoán, ngân hàng

Chính phủ vừa trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cho nhiều loại hàng hóa nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng...
Cân nhắc việc giảm thuế VAT với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản Phó Chủ tịch Quốc hội: Giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 15/5, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế VAT nói riêng có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Không giảm 2% thuế VAT cho bất động sản, chứng khoán, ngân hàng
Ảnh minh họa.

Cụ thể sẽ giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về giảm thuế VAT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế VAT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Với quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết so với năm 2022, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nội dung giảm thuế VAT của dự thảo nghị quyết về cơ bản lấy theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Nghĩa là không mở rộng đối tượng được giảm thuế đối với các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin…

Cũng phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Hậu Lộc
Phiên bản di động