Khơi thông nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội đang có trong nền kinh tế
Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm trong điều hành kinh tế - xã hội Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước cho thấy kinh tế còn khó khăn Chính phủ muốn kéo dài chương trình phục hồi kinh tế đến hết năm 2024 |
Ngày 24/10, tại phiên thảo luận ở tổ liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, để đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cần bổ sung thêm hai chỉ tiêu: Dành nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương.
Cho rằng tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị, cùng với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như đề xuất của Chính phủ, chúng ta cần phải tiếp tục duy trì nỗ lực và quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo và các tháng còn lại của năm 2023.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10. |
Theo đó, chúng ta cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội đã và đang có ở trong nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng kiến nghị, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc, một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; các dự án còn dang dở.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế. Theo đó sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình). |
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cần khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy thì phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.
Cùng với đó là tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, chúng ta cũng cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, bao gồm các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư và có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.