Khi doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải làm gì?
Gần 73% doanh nghiệp hoãn, hủy kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh |
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, quý I/2024 tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn từ 2020 đến nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giữ nguyên kịch bản về tốc độ tăng trưởng cả năm đạt khoảng 6-6,5%. Đây là những đề xuất rất thận trọng nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và những khó khăn của doanh nghiệp.
Theo đại biểu, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm thấp hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu chỉ rõ, vấn đề doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với số lượng lớn như vậy là vấn đề rất đáng quan tâm.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). |
Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, vậy doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải làm gì? Đại biểu đề nghị phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn để có những quyết sách tại kỳ họp này, nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có vấn đề tín dụng.
Đại biểu cho rằng, chính sách tài khóa của chúng ta đang có thêm dư địa để mở rộng hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên kết quả này có nghĩa một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã được huy động và rút khỏi nền kinh tế chưa được tái phân phối trở lại kịp thời. Như vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 đặt ra cũng khá thách thức.
Tương tự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp khi mà 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này.
Liên quan hoạt động của các doanh nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tán thành với rất nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước đó, đại biểu cho rằng trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó doanh nghiệp cần được quan tâm, bảo vệ và trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, cần phải chú trọng đến các giải pháp tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp...
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản,chương trình phục hồi phát triển kinh tế…
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.