Khi cơn sốt chứng chỉ ngoại ngữ “tràn” về kỳ tuyển sinh vào lớp 10
Tấm vé thông hành
Năm học 2023-2024, với chứng chỉ IELTS đạt 5.5 hoặc TOEFL iBT 65 điểm trở lên, học sinh đã có cơ hội trúng tuyển vào một số trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội.
Theo thông báo từ Trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) sẽ xét tuyển thẳng vào lớp 10 đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 trở lên. Năm ngoái, trường tuyển thẳng các đối tượng là học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 5.0 trở lên.
Tương tự, Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) cũng công bố tuyển thẳng học sinh lớp 10 năm học 2023-2024 có chứng chỉ tiếng Anh còn thời hạn đến ngày 31/8/2023, yêu cầu là điểm IELTS từ 5.5 trở lên (do Hội đồng Anh hoặc IDP cấp), điểm TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên. Học sinh đạt điểm trung bình các môn từ 8.0 trở lên và học sinh có kết quả IELTS từ 7.0 trở lên, sẽ được giảm 20% học phí.
Thông báo tuyển sinh vào 10 của Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh |
Hay mới đây, hệ thống Archimedes thông tin, những học sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển sẽ được tuyển thẳng vào Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh. Ngoài ra, học bổng 50/40/20 triệu đồng được nhà trường dành tương ứng cho các học sinh có IELTS 7.0/6.5/6.0.
Đối với Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp cho biết, với học sinh có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Cambridge: IELTS (5.5 trở lên), PET hoặc FCE (từ 160 điểm trở lên) tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) và điểm trung bình các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn năm lớp 6, 7, 8, 9 đều đạt từ 7.0 trở lên, sẽ được tuyển thẳng năm học 2023-2024.
Năm ngoái, Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cũng tuyển thẳng học sinh đạt chứng chỉ Tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên. Dù chưa công bố phương thức tuyển sinh năm nay nhưng từ năm ngoái trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đã tuyển thẳng học sinh lớp 9 đạt IELTS 6.5 trở lên và có học lực giỏi bốn năm THCS.
Có ý kiến cho rằng, việc này giúp giảm áp lực cho các sĩ tử nhưng một bộ phận cũng lo ngại sẽ phát sinh nhiều bất cập trong kỳ tuyển sinh đầu cấp.
Hiểu đúng giá trị tấm chứng chỉ
Lý giải về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển thẳng, đại diện các trường cho rằng, những học sinh đã học giỏi ngoại ngữ thường có tư duy và kiến thức những môn khác cũng rất tốt, đồng thời thúc đẩy các em trong việc học ngoại ngữ.
Theo đại diện trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm), nhà trường nhận thấy, tiêu chí đánh giá của các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế "rất sát với năng lực của học sinh". Ngoài ra, các kỳ thi này được cho là trung thực, nghiêm túc và mẫu mực trong cách ra đề. Tuy nhiên, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển được khoảng 20 học sinh trong diện này và chủ yếu theo mục tiêu du học.
Nhiều phụ huynh và học sinh đổ dồn vào học chứng chỉ ngoại ngữ |
Dưới góc nhìn của các bậc phụ huynh, chị Nguyễn Thị Nhung (quận Thanh Xuân), đang đồng hành cùng cậu con trai lớp 8 học IELTS, nhận định, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC,... để ưu tiên xét tuyển vào 10, nghe qua thì thấy có gì không hợp lý, nhưng thật ra cũng có những lợi ích riêng.
“Những bạn đã tích lũy kiến thức và thi đỗ các chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC,... từ trước khi thi vào 10, phần nào chứng minh đó là những bạn có tư duy và ý thức học tập rất tốt. Đây là một trong những nền tảng vững chắc, giúp chính các con có thể tiếp tục phát huy khả năng của mình”, chị Nhung cho biết. Tuy nhiên, theo vị phụ huynh có con học cấp 2 này, bố mẹ cũng không nên chạy theo “trào lưu” để con học các loại chứng chỉ ngoại ngữ theo xu hướng hiện nay.
Trước thực trạng trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Các trường chất lượng cao, có định hướng quốc tế thì họ sẽ ưu tiên hơn cho học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt. Nên chứng chỉ IELTS sẽ có ưu thế, các em sẽ tiếp thu kiến thức dễ hơn. Nhưng nếu chúng ta quá đề cao và tiến tới dùng IELTS để tuyển thẳng vào 10 thì sẽ gây ra sự học lệch của học sinh. Khi các em sẽ chỉ học tiếng Anh, gia đình cũng chỉ đầu tư ngoại ngữ, nó góp phần làm cho quy trình giáo dục và chất lượng dạy bị ảnh hưởng”.
Chia sẻ thêm về giá trị tấm chứng chỉ ngoại ngữ, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, đừng chỉ chạy theo IELTS, khi một ngày xã hội hướng đến “phổ cập” IELTS thì năng lực ngoại ngữ của các con sẽ gần như “bằng 0”, hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm - thị trường nhỏ và máy móc chưa hướng đến thì các con mới có thêm cơ hội khẳng định được vị thế của mình. Đặc biệt, phải chú trọng đến “học thật’ - học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng “lỗ hổng” để có điểm số cao, khi ấy, tấm bằng hay chứng chỉ cầm trên tay cũng chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn kém.