Khám phá nơi thờ vị thần "trấn Bắc" của kinh thành Thăng Long xưa
Khám phá thành Cổ Loa cổ kính Những thành phố của Việt Nam là điểm đến “du mục kỹ thuật số” Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô? |
Đền Quán Thánh được xây dựng từ thời nhà Lý, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 1962, đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đợt đầu với chùa Trấn Quốc. Trong đền thờ một vị thần của đạo Lão là Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần luôn được thờ trấn ải hướng Bắc.
Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) |
Đền Quán Thánh thuộc phường Quán Thánh - Ba Đình - Hà Nội. Đền tọa lạc ở vị trí góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh nhìn thẳng ra Hồ Tây.
Nằm giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp, đền Quán Thánh vẫn giữ được sự linh thiêng với kiến trúc độc đáo cùng với những bảo vật quý. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, đền đã được trùng tu nhiều lần và cho đến hiện nay đền có quy mô khá bề thế, mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật thế kỷ XIX bao gồm tam quan, sân bái, tiền đế, trung đế, hậu cung.
Tam quan của đền, có cấu tạo như một phương đình, gồm 3 cửa và 2 tầng |
Cổng ngoài của đền nằm trên đường Thanh Niên với bốn trụ cột là bốn con phượng hoàng đấu lưng, con nghê trên đỉnh. Xung quanh bốn trụ cột là các chi tiết rất nổi bật như mãnh hổ hạ sơn, cá chép hóa rồng và các cặp câu đối đỏ, làm tăng thêm vẻ uy nghi cho cổng đền.
Đền Quán Thánh xưa trong ảnh tư liệu |
Sau cổng ngoài là cổng tam quan gồm 3 cửa, 2 tầng. Trên gác tam quan chính là nơi đặt quả chuông đồng được đúc vào năm 1677, đời vua Lê Hy Tông. Đây chính là tiếng chuông đã đi vào trong thơ ca và ca dao của Việt Nam:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"
Đường vào đền thoáng mát với nhiều cây xanh |
Hiên bái đường được trang trí bởi hình tượng đắp nổi như: Tượng hổ xuống núi, tượng cá chép hóa rồng, tiến sâu vào bên trong là tòa Đại bái và Hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa Đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán", do vua Thiệu Trị thời Nguyễn ngự đề và chiếc khánh đồng đúc vào thời Tây Sơn.
Sân đền có 2 pho tượng voi phục tại sân chầu |
Đặc biệt, tại nơi thâm nghiêm nhất của tòa Hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng vào năm Đinh Tỵ (1677), là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị độc đáo của Nhân dân ta vào thế kỷ XVII do các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã tạo tác.
Tượng Huyền Thiên trước bằng gỗ, đến năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Lê Hy Tông (1677) mới được đúc bằng đồng cao 3,96m, nặng 4 tấn, chu vi bệ đá 8m.
Tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn đền Quán Thánh. |
Tượng ngồi oai nghiêm, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, đầu không đội mũ, tóc xõa ra đằng sau, mình mặc áo đạo sĩ màu đen, đi chân trên lưng rùa, thân gươm có rắn quấn. Rắn và rùa là tượng trưng cho sức mạnh và sự trường sinh của thần.
Tượng đồng Huyền Thiên đồ sộ, uy nghiêm, hùng đũng được thờ ở phía Bắc thành Thăng Long, mang một ý nghĩa lớn lao, biểu thị cho tinh thần của dân tộc qua các cuộc chiến tranh chống giặc xâm lược. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày nhiều bảo vật quý giá như nhạc cổ bằng đồng, bảng sắc phong, nhiều tư liệu quý giá...
Nhà bia đền - nơi ghi các thời điểm trùng tu đền |
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu mang tính thời đại và tầm vóc quốc gia - dân tộc, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Quán Thánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2496/QĐ - TTg ngày 22/12/2016, qua đó tiếp tục củng cố và bồi đắp những giá trị lịch sử.
Năm 2022, đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, đền Quán Thánh tổ chức lễ hội chính vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch.